"Tôi thuê mặt bằng buôn bán đến nay đã được hơn mười năm, nhưng giờ có lẽ tôi chuẩn bị gồng hết nổi. Thời thế thay đổi, nhìn các đơn hàng livestream cứ đi vù vù, trong khi tôi cứ ngồi chờ khách đến mua, ế ẩm ngày này qua tháng nọ".
Đó là chia sẻ của độc giả Tran Phong - một người kinh doanh truyền thống khi gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ lực lượng bán hàng online ngày một đông đảo. Cùng với livestream bán hàng, hoạt động thương mại điện tử đang phát triển mạnh trong những năm qua. Thực tế, livestream bán hàng mang lại doanh thu lớn cho người bán và người được thuê livestream.
Thời gian qua mạng xã hội xôn xao những phiên livestream bán hàng trên các ứng dụng, doanh thu đạt cả trăm tỷ một ngày. Hiện một số cá nhân có thu nhập hàng chục tỷ đồng từ hoạt động livestream bán hàng. Tuy nhiên câu chuyện thu thuế những người tham gia vào hoạt động này vẫn được xem là lĩnh vực "khó quản".
Cùng chung tâm trạng bức xúc khi bị hình thức bán hàng online cạnh tranh thiếu công bằng, bạn đọc Hằng bày tỏ: "Nhiều người nổi tiếng lợi dụng sự nổi tiếng của mình để bán hàng online triền miên, bán giá siêu rẻ, thuế không rõ, thu nhập lại rất cao, mua nhà xịn, xe sang. Thật bất công cho những người phải đi thuê mặt bằng và nộp thuế không thiếu đồng nào như tôi lại bị cạnh tranh về giá với những người bán online".
"Mấy công ty, cửa hàng kinh doanh tạo bao công ăn việc làm cho người lao động và nộp rất nhiều thuế phí cho nhà nước, mỗi năm chịu bao nhiêu đợt thanh kiểm tra... Trong khi đó mấy người livestream bán hàng bán được rất nhiều sản phẩm, nhưng phí phải trả rất ít. Cho nên, tôi ủng hộ việc truy thu, đánh thuế những người bán hàng bằng hình thức livestream để tạo sự cạnh tranh công bằng", độc giả Người hóng chuyện nói thêm.
>> 'Thu nhập chục triệu đồng sau khi bỏ việc về bán hàng online'
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý thuế đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động livestream bán hàng, bạn đọc Danielnguyen phân tích: "Kiểm tra nghiêm ngặt và quản lý chặt nguồn gốc hàng hóa, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân với các cá nhân, công ty bán hàng online là việc làm cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng. Hiện nay, tôi thấy một buổi livestream, người ta thu được hàng trăm tỷ đồng. Vậy thì các ông lớn siêu thị đâu cần đầu tư mở store làm gì cho tốn chi phí?
Chính trào lưu bán hàng online này tạo ra một cái nhìn không đúng về cuộc sống, xã hội, khiến ai cũng tưởng dễ làm giàu, không cần học hành đến nơi đến chốn. Thay vào đó, họ chỉ cần làm này làm nọ để gây chú ý, câu view, rồi livestream bán hàng, ký hợp đồng quảng cáo, làm KOL, KOC dễ dàng. Thế nhưng, nhà nước có có thu được số thuế đúng với thu nhập của họ không? Trong khi những người làm kinh doanh chính thống phải nộp rất nhiều loại thuế, phí".
Đồng quan điểm, độc giả Anhtuan cho rằng, việc siết chặt thu thuế với những người bán hàng online không khó: "Muốn thanh kiểm tra những người livestream bán hàng cũng rất dễ thôi. Toàn bộ hoạt động bán hàng qua livestream gần như sẽ được chuyển khoản thanh toán hoặc đặt cọc tại thời điểm đó, như vậy, chỉ cần yêu cầu cung cấp sao kê tất cả tài khoản cá nhân của người bán là ra hết. Những KOL cũng vậy, nhận hoa hồng bán hàng cũng qua tài khoản ngân hàng mà thôi.
Giả sử có nhận tiền qua người khác đứng tên vẫn sẽ có thủ thuật để nhìn nhận ra, không thể nào giấu được nếu muốn kiểm tra chính xác. Thậm chí kể cả hình thức 'giao hàng nhận tiền' thông qua dịch vụ vận chuyển, cuối cùng tiền bán hàng vẫn buộc phải về người bán chứ chạy đi đâu được?".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Mối nguy cho shop online Việt đằng sau chiếc gioăng cao su bồn cầu
- Thế khó của người bán hàng online nếu bị truy thu thuế
- Thu thuế bất động sản thứ hai và bán hàng online
- 'Thu nhập tăng chục lần sau nghỉ việc để bán hàng online'
- Không bỏ việc lương bốn triệu để bán hàng online
- 'Những người bán hàng online bị kỳ thị'