Tôi là một nhân viên văn phòng đang làm việc tại TP Thủ Đức (quận 2 cũ) và đang sinh sống tại địa bàn TP Dĩ An, Bình Dương. Tôi có nghe tin TP Dĩ An và nay là cả TP HCM áp dụng biện pháp phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng ba ngày mới được qua lại giữa hai nơi. Tôi vội tìm đến bệnh viện gần nhất có test nhanh Covid để lấy "giấy thông hành".
Nhưng gần như nơi nào cũng đông nghẹt người chen lấn nhau đợi test và lấy kết quả. Phải tận mắt chứng kiến mới thấy nó hãi hùng cỡ nào. Giả sử trong nhóm người đó có người dương tính thì sao?
Quay lại với cái gọi là "giấy thông hành". Giá trị ban đầu của nó là giấy xác nhận tại thời điểm xét nghiệm, người đó không nhiễm Covid-19 và không có khả năng lây nhiễm trong các ngày trước đó. Còn bây giờ, giấy xét nghiệm ngầm trở thành thứ để chứng minh ngày hôm đó và 3 ngày sau người đó an toàn để đi lại giữa các vùng giãn cách.
Và cái cách người lao động có được nó còn thực sự gian nan và nguy hiểm cho cả bản thân mình và cả cộng đồng. Chưa kể những hệ lụy về sau. Khi số lượng người muốn xét nghiệm quá đông thì có thể nảy sinh tiêu cực, giống như vụ làm giả giấy xét nghiệm ở Hải Dương. Và có một điều chắc chắn là người lao động tốn chi phí để có được nó. Vậy quy định này có thực sự hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh không?
Đợt dịch thứ 4 kéo dài khá lâu rồi, thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch rồi nhưng tại sao số ca ngày càng tăng, chu kỳ 1000 ca ngày càng ngắn. Vậy chỉ thị 10 của UBND TP HCM liệu có phù hợp tại thời điểm này và có đạt được hiệu quả như mong muốn?
>> Gia đình trẻ khủng hoảng tài chính vì Covid-19
Tôi biết cơ quan chức năng đã rất cân nhắc giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Mọi quyết định được ban hành đều rất khó khăn và đã được cân nhắc kỹ lưỡng.
Nhưng thực tế thì sau khi Chỉ thị 10 được ban hành thì sao? Sáng ra đường xe vẫn đầy ra đó, mọi người vẫn phải đi làm, vẫn phải đi chợ mua đồ. Chợ tạm bị chặn thì mọi người tập trung vô siêu thị. Người dân vẫn phải bước ra khỏi nhà và tập trung đông người nơi làm việc. Mọi thứ vẫn bình thường. người ta không tập trung nơi này thì chuyển sang nơi khác.
Vậy có phải là do người dân không chấp hành Chỉ thị 10 nên mới xảy ra tình trạng đó và số ca nhiễm ngày càng tăng không? Tất nhiên là ai cũng muốn ngồi ở nhà thời điểm này. Nếu ngồi yên trong nhà một tuần, hai tuần thậm chí một tháng mà dập tắt được dịch bệnh thì ai cũng sẽ chấp nhận ở nhà. Thà mất thu nhập một tháng còn hơn lay lắt tháng này qua tháng nọ.
Nhưng tôi ngồi ở nhà thì người khác có chịu ngồi không, hay người ở người đi rồi dịch bệnh cứ dai dẳng như vậy? Đi làm mà không biết giờ nào mình thành F0 hay F1, ai ai cũng sống trong nỗi sợ hãi. Vậy đã đến lúc thành phố của chúng ta cần một biện pháp cứng rắn hơn, như Chỉ Thị 16 của Chính phủ chẳng hạn?
Bingo
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.