Cách đây hai tuần, khi TP HCM bắt đầu tiêm lô 800 nghìn liều vaccine đầu tiên, một người bạn của tôi đã khoe rằng công ty của cô ấy được gộp vào danh sách tiêm. Dù cũng chưa rõ cách phân phối của thành phố khi ấy là thế nào, tôi cũng mừng cho bạn và nói: "Tiêm cho gia đình yên tâm. Giờ ở quê bạn (Quảng Ngãi) cũng đang bùng dịch, bạn mà mắc ba má thêm khổ".
Nhưng chưa đầy một tuần sau, cô nàng thông báo lại rằng công ty xin rút khỏi danh sách tiêm vì "không yên tâm". Tôi phẫn nộ: "Mày mà ở ngoài này thì đừng mong giở thói kén chọn. Tiêm là để chặn dịch, công ty nào cũng như công ty mày thì bao giờ thành phố hết giãn cách?".
>> Người Mỹ tiêm vaccine 'đơn giản và kỳ lạ'
Mới đầu tuần này thôi, đang ngồi làm việc yên lành sau khi thủ đô dỡ bỏ hạn chế, tôi nhận được tin nhắn facebook từ đứa bạn thân, "Tiêm vaccine dịch vụ không?". Tôi từ chối và nói: "Bây giờ có gì tiêm nấy". Nhưng bạn tôi vẫn lo lắng: "Tiêm vaccine Astra sợ biến chứng". Ngán ngẩm với bạn tối ngày đi đọc thuyết âm mưu, tôi bực, "Làm gì phải khổ vậy? Tiêm gì cũng tiêm hai mũi. Tiêm xong mũi một ba tháng mới được tiêm mũi hai, chắc gì đã có đủ Pfizer để đảm bảo số mũi tiêm và chất lượng phòng dịch?".
Lúc này, nhẫn nại của tôi bay hơi quá nửa rồi, tôi gắt: "Cứ đợi thì đến bao giờ được tiêm?". Bạn tôi vẫn kiên quyết không tiêm với lý do "sợ biến chứng".
Tôi, từng mất một kỳ học thống kê tại Đại học nói thẳng: "Thứ nhất, nước mình tiêm hơn 3 triệu mũi, phần lớn Astra Zeneca, mới có một ca tử vong liên quan trực tiếp đến vaccine.
Thứ hai, số biến chứng liên quan đến Astra Zeneca ở châu Âu là rất ít so với số người tử vong do dịch trước khi có vaccine. Nếu mà so ở nước mình, tiêm hơn triệu người có một người tử vong, 15 ngàn ca mắc đã có 80 người chết, cái nào nguy hiểm hơn cái nào?
Thứ cuối, rủi ro vaccine có vài phần triệu cả nhẹ cả nặng, chứ còn sinh đẻ rủi ro các loại lên tới vài phần trăm".
Ai từng học qua môn thống kê ở trường đều biết loài người dở khoản xác suất đến thế nào. Bản năng sinh tồn từ tổ tiên truyền lại khiến chúng ta phóng đại những rủi ro liên quan trực tiếp đến bản thân và bác bỏ những nguy cơ diễn ra trên diện cộng đồng.
Ví dụ thói quen ăn tiết canh, khi nhìn thấy nhiều người cũng ăn thì cơ chế phòng thủ hạ xuống, mặc dù nếu nhiễm sán khuẩn thì chữa cũng khó ngang Covid-19 chứ không có dễ hơn. Vaccine thì ngược lại, là nguy cơ riêng của từng cá nhân, nên nếu không có một mốc đối chiếu, nhiều người sẽ khựng lại khi bị hỏi câu "Thế không sợ bị biến chứng à?". Hỏi thế thì ai chẳng bảo sợ.
Bẫy tư duy này chính là nguyên nhân của phong trào bài vaccine và hiện tượng trì hoãn vaccine đã gây ra nhiều thảm cảnh ở những nước có nền y tế hiện đại nhất. Năm 2019, cùng thời điểm dịch sởi bùng phát ở Việt Nam, Bắc Mỹ đã chứng kiến một đợt dịch sởi khi tỷ lệ tiêm chủng ở một vài khu vực tụt xuống dưới 80%.
>> Công ty tôi 20 người đi cách ly tập trung
Đầu năm nay ở Nhật Bản, việc người dân trì hoãn tiêm vaccine đã khiến cho dịch bệnh đang được dần đẩy lùi vượt khỏi tầm kiểm soát, khiến thủ đô Tokyo gần như phải phong tỏa lần nữa. Dĩ nhiên sợ thì sợ, nhưng mà có những hoạt động thường ngày còn đem lại nhiều nguy cơ cho sức khỏe hơn là tiêm chủng, sinh đẻ chỉ là một ví dụ.
Sợ thì sợ, nhưng nếu kết quả của nỗi sợ đó khiến cho Hà Nội hay TP HCM hoặc Hải Phòng bị phong tỏa, nếu nó khiến cho thêm nhiều người phải chết vì dịch bệnh, nếu nó khiến cho thời gian giãn cách từ hai tuần kéo dài lên một tháng, chúng ta nào được phép sợ.
Thật đáng ngạc nhiên khi có ý kiến cho rằng Sài Gòn cần làm quen với việc có hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày, miễn là không có nhiều ca trở nặng thì có người lại mẫn cảm với nguy cơ vaccine đến mức từ chối tiêm kể cả khi có cơ hội. Nên nhớ, Astra Zeneca hay Pfizer hay thậm chí Sinovac cũng chỉ là mầm bệnh bị bất hoạt, phản ứng nếu có sẽ nhẹ hơn bị nhiễm trực tiếp rất nhiều. Nếu bạn tin rằng mình có thể sốc phản vệ dẫn đến tử vong khi tiêm vaccine, gần như chắc chắn bạn không có cơ hội tồn tại nếu nhiễm nguồn bệnh trong khi lang thang ngoài đường.
Thêm nữa, Astra Zeneca hay Pfizer, 70 hay 90 chỉ đạt đến mức bảo vệ tối đa nếu tối thiểu 75% cộng đồng được tiêm. Vaccine ngoại trừ tác dụng chống dịch cho mỗi cá thể, còn hoạt động theo cơ chế miễn dịch cộng đồng. Trước khi 75% dân số được tiêm, không một ai trong số chúng ta an toàn.
Một người trì hoãn, một bước cộng đồng bước xa khỏi ngưỡng an toàn, một bước cả nước bước xa khỏi ngày mở cửa để được sống trong điều kiện bình thường mới. Giờ này năm trước, trong lúc chưa có vaccine, thuốc đặc trị Covid gần như chưa có, điều duy nhất có thể làm là ngồi nghe Fauci nhắc Trump đeo khẩu trang vào giùm. Nguy cơ nhiễm bệnh và hậu quả nghiêm trọng đến nỗi một vài nước thậm chí cho người bệnh tự chữa ở nhà để không lây nhiễm cho nhân viên y tế của họ. Còn ngành y tế của chúng ta đã khống chế thành công đợt dịch đầu tiên. Suốt một năm trời, Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Hồ Chí Minh, những chiến sĩ áo trắng chưa một lần chùn bước.
>> Sài Gòn hết kẹt xe, chuyển qua kẹt tiền
Nếu họ cũng sợ, cũng chùn bước trước nguy cơ lây nhiễm, hôm nay chúng ta sẽ ra sao? Nếu hôm nay chúng ta chùn bước trước nguy cơ biến chứng, đến bao giờ Việt Nam sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng, đến bao giờ mới có thể mở cửa trở lại? Chúng ta ngưỡng mộ những người hùng áo trắng áo xanh kiên cường nơi tuyến đầu, nhưng mỗi người hoàn toàn có thể trở thành người hùng khi hành động vì lợi ích của cộng đồng.
Thực hiện 5K, tiêm phòng theo chỉ định là hành động bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ dịch bệnh, đưa đất nước đến trạng thái bình thường mới, tiếp đà ổn định và phục hồi kinh tế. Vào thời điểm này, đất nước Việt Nam cần sự dũng cảm của mỗi người dân. Hãy tiêm chủng khi được chỉ định, góp phần tạo thành hàng rào khống chế dịch bệnh, bảo vệ người thân của chúng ta, bảo vệ quê hương của chúng ta, bảo vệ đất nước của chúng ta.
DK
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.