Giữ gìn môi trường sống sạch đẹp là một câu chuyện dài. Bản thân tôi là một người từng sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nay đang sinh sống và làm việc ở Đức. Thế nên, với những trải nghiệm của mình, tôi thấy có sự khác biệt rất lớn giữa câu chuyện giữ vệ sinh không gian sống ở những thành phố lớn tại Việt Nam như Hà Nội, TP HCM với các nước phát triển.
Trong ký ức về thời thơ ấu của tôi (những năm 1985), Sài Gòn khi ấy rất khác bây giờ. Đám trẻ chúng tôi ngày nào cũng chạy chân trần ra đồng chơi đủ trò, lăn lê trên cỏ, bắt cào cào, đào dế, mò cua, bắt cá... Hồi ấy thành phố có nhiều loại cây cỏ dại, nước sạch tới mức uống được ngay. Giờ thì những thứ ấy chỉ còn trong hoài niệm, gần như không còn lại gì.
Mỗi năm về Việt Nam chơi, tôi thường đi một vòng chợ Sài Gòn, xách về tầm 10 món khác nhau, nhưng có gần 20 cái túi nilon lớn nhỏ đủ kiểu. Lần sau, tôi quyết tự đem theo cái giỏ nhựa ở nhà đi và từ chối nhận túi nilon của người bán hàng, nhưng cố lắng cũng chỉ giảm được một nửa số túi. Có vẻ như câu chuyện từ bỏ hoàn toàn túi bóng và đồ nhựa dùng một lần không hề đơn giản.
>> Điếu thuốc lá mất mặt trước nữ khách Tây
Điều này hoàn toàn trái ngược với đất nước mà tôi đang sinh sống hiện tại. Ở Đức, mỗi khi đi siêu thị, nếu di chuyển bằng xe đạp, tôi luôn mang theo giỏ vải để đựng đồ. Nếu đi ôtô, tôi còn đem theo cả cái sọt nhựa và chất hết phía sau xe thay vì dùng túi nhựa.
Ở siêu thị, nhân viên sau khi tính tiền xong cũng không cho khách hàng túi nilon để đựng. Những thứ như đường, muối, bột, trứng... đều được đựng trong hộp giấy. Thức ăn nhanh, cà phê... được đựng trong ly, đĩa, túi giấy. Túi nilon thực ra vẫn có nhưng ít và mọi người cũng thường không sử dụng khi có thể thay thế bằng vật liệu khác.
Người Đức cũng có thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác tại nhà để thành phố đi thu gom, xử lý rác một cách hiệu quả. Theo quy định, cứ thứ sáu là ngày đổ rác. Những thùng rác đầy được mỗi nhà hoặc chung cư phân loại rồi đẩy ra để ngay ngắn trước lề đường, chờ xe của thành phố tới lấy.
Có bữa, sáng sớm gió lớn đã làm bật nắp thùng rác của nhà bên kia đường, đối diện nhà tôi. Nhiều rác trong thùng bị thổi văng xa tứ tung. Thấy vậy, một cụ ông chống gậy (chắc ngoài 90 tuồi) đi ngang qua từ từ cúi xuống nhặt rác dưới chân rồi bỏ vào thùng trước khi đi tiếp. Đây là chuyện thường ngày ở chỗ tôi, đơn giản vì ai cũng muốn giữ vệ sinh chung như vậy.
Nhờ đó mà thành phố tôi ở rất sạch sẽ. Cả khu phố chỗ tôi sống không có một mảnh rác bị vứt bừa bãi. Lá cây rụng nhiều vô kể mà còn được người ta tự giác quét sạch sẽ thì nói gì rác thải. Không chỉ có ngoài đường mà nhà của người Đức cũng sạch sẽ, gọn gàng. Tôi để ý trẻ con được nhà trường và gia đình dạy từ nhỏ về nguyên tắc: bỏ rác đúng nơi quy định, không có thùng rác thì đem rác về nhà. Con tôi lúc đi nhà trẻ về nhà, trong túi áo, quần thường có vỏ kẹo, bánh do các con ý thức không xả ra đường.
Bang tôi ở có nhiều vườn quốc gia và cây xanh nhất so với 15 bang còn lại của Đức. Thế nên, dù tôi ở thành phố nhưng mỗi năm đều có nhím băng bò vào sau nhà, thiên nga bơi trên sông, vịt trời tràn ra đường ôtô chạy. Nhà tôi cứ mở cửa sổ là bướm và ong bay vào phòng mỗi khi vào xuân. Mùa hè, khắp thành phố hoa nở rợp trời, mùi hương ngào ngạt. Không khí trong lành khỏi phải bàn.
Mong rằng một ngày nào đó, Sài Gòn quê hương tôi cũng sẽ đẹp đẽ, trong lành được như vậy. Muốn vậy, phải bắt đầu từ những thay đổi trong ý thức và thói quen sử dụng túi nilon, đồ nhựa một lần của người Việt. thành phố chỉ có thể sạch đẹp nếu mỗi người dân đều có ý thức và trách nhiệm với môi trường sống chung.
- 'Mua vỉ thuốc cũng xin túi nilon'
- 'Một cây chả, ba lớp nilon'
- Nhà tôi cả tháng không dùng túi nilon
- Tôi nhiều năm 'cạch mặt' đồ nhựa
- Tôi lo ngại khi mua tô phở nóng hổi đựng trong ly giấy
- 'Cạch mặt' đồ nhựa trước khi phân loại rác