Đi chợ Tết là một phong tục gắn liền bao đời với người dân Việt Nam và chợ ngày Tết luôn cũng mang ý nghĩa quan trọng trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt. 6h30 sáng 29 tháng Chạp, tôi dẫn con gái đi chợ gần nhà ở phía sau khu chung cư đường Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội.
Mọi khi vào giờ này, chợ còn vắng người. Nhưng sáng nay chợ đông đúc, hoạt động nhộn nhịp, tắc đường y như ngoài quốc lộ. Nhà nhà đi chợ sắm Tết, mong muốn có một cái Tết đủ đầy. Chợ Tết là những phiên chợ ngày cuối năm, đông vui hơn, tấp nập hơn và cũng hối hả hơn vì ai cũng bận rộn trang hoàng nhà cửa, cúng gia tiên, hoàn thành những công việc cuối cùng trước khi bước sang năm mới.
Người ta đi chợ Tết không chỉ để mua sắm mà còn để gặp gỡ, để tận hưởng cái không khí háo hức khi Tết đến. Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải chỉ để "có cái ăn" mà đó là thói quen, làm dậy lên không khí ngày lễ hội. Không khí Tết thấm đượm thật sự vào những ngày này bởi nhà nhà đều đi mua sắm trước những ngày Tết cổ truyền, giàu hay nghèo, sang trọng hay khốn khó cũng đều cố gắng lo được cái Tết tươm tất nhất trong khả năng của mình.
Dẫu cuộc sống hiện tại đã có nhiều đổi thay nhưng những phiên chợ ngày Tết vẫn mang đến nhiều giá trị văn hóa, nhiều tình cảm quê hương đã bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người mỗi dịp Tết đến, xuân về. Những phiên chợ được ví như những thước phim quay chậm để lưu giữ lại phần nào ký ức của tuổi thơ và là nơi chứa đựng nhiều tình cảm ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người. Đó cũng là không gian sinh động phản ánh đời sống của từng gia đình, của cộng đồng dân cư. Đây cũng là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống, lưu giữ những ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ. Nó còn là nơi con người có thể cảm nhận rõ ràng không khí của một mùa xuân mới đang đến gần.
>> Tết của tôi không quần quật mua sắm, nấu ăn
Việc chuẩn bị Tết ngày nay cũng trở nên dễ dàng hơn, cần hai tiếng ra chợ là có đủ cho một cái Tết. Gần như tất cả đã được làm sẵn nên người ta không phải lụi hụi vất vả chuẩn bị Tết như xưa. Rất nhiều mặt hàng từ quần áo đến các loại bánh kẹo, thực phẩm đóng gói, giò chả, bánh chưng nấu sẵn, các loại đồ khô như măng miến, nấm hương, mộc nhĩ... đã được bày bán la liệt khắp các chợ từ thành phố đến nông thôn trước cả tháng trời. Sự tiện lợi ấy giúp cho người ta không phải lo lắng nhiều, có thể đợi đến 29, 30 Tết ra chợ một vòng đã có đầy đủ cho ba ngày Tết.
Không phải nấu nướng hay sửa soạn công phu nên thời gian chuẩn bị trong những ngày giáp Tết cũng được rút ngắn rất nhiều. Nhiều người tranh thủ nghỉ ngơi, đủng đỉnh lo công việc cơ quan có khi đến ngày 29 mới ra chợ như tôi. Thậm chí, thay vì tất tả ra đường để hít khói xe với những quãng đường ùn tắc kéo dài, vài năm gần đây, tôi chỉ ngồi nhà vẫn có thể mua sắm đầy đủ các loại đặc sản, thực phẩm, vật dụng cho ngày Tết ở các chợ Tết online.
Tôi dẫn con gái đi chợ truyền thống chủ yếu là muốn con biết thế nào là chợ Tết, có không khí Tết, cho con tự chọn rau, thịt, cá, tôm, hoa quả để con nắm rõ giá của từng mặt hàng và con biết được gia đình cần mua thực phẩm gì cho mấy ngày Tết. Mẹ con tôi ra cửa hàng quen vẫn mua mấy năm nay, bán đủ các loại rau, củ, thịt, trứng, hoa quả. Chúng tôi chọn mua sáu loại quả vừa để bày mâm mũ quả ở bàn thờ tổ tiên, vừa để ăn dần trong mấy ngày Tết. Tôi không mua nhiều thực phẩm vì chỉ tính đến Mùng Ba là đi chợ mua thức ăn mới. Tôi chỉ dẫn con gái đi mua thêm rau, trứng, thịt, tôm, hoa quả, các nguyên liệu để con gái làm bánh, nấu bún tôm trong mấy ngày Tết, hoa cắm bàn thờ và hoa cắm lọ ngắm Tết.
Quả thật, Tết đến là vui vẻ, là nghỉ ngơi, nhưng trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, đây quả là bài toán khó với nhiều bà nội trợ, nhiều gia đình. Mỗi cá nhân lại lựa chọn hình thức khác nhau để cân đối thu - chi, nhiều cách thức khác nhau để mua sắm nhưng đích cuối cùng vẫn là mang cái Tết ấm no, sung túc, đầy đủ nhất về với gia đình của mình.
Vũ Thị Minh Huyền
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.