Hội chứng tâm lý Holiday Click-off - chỉ trạng thái bồn chồn, háo hức trước mỗi kỳ nghỉ lễ - đang là hiện tượng ngày một phổ biến trong xã hội hiện đại. Và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi thời điểm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một bộ phận không nhỏ dân văn phòng rơi vào trạng thái uể oải, không thể làm được việc gì dù vẫn đến công ty bởi toàn bộ tâm trí và thời gian của họ đã bị hút hết vào việc sắm sửa, chuẩn bị cho kỳ nghỉ lớn nhất năm.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta cần làm gì để cân bằng giữa công việc, các mối quan hệ xã hội và gia đình, tránh được sự mệt mỏi trước mỗi kỳ nghỉ Tết? Độc giả Hải Đường chia sẻ kinh nghiệm của bản thân: "Trước Tết khoảng ba tuần, tôi đã tranh thủ mua tất cả những thứ cơ bản cho gia đình, như: mắm, muối, dầu ăn, gạo nếp, quà bánh để đi biếu... Tóm lại, tôi tránh để nhiều việc dồn ứ một lúc, rất cồng kềnh và phải chen chúc những lúc cận Tết.
Thịt, cá tôi cũng mua trước 4-5 ngày rồi bỏ tủ đông, chỉ đủ dùng cho đến khi siêu thị mở cửa sau Tết. Ăn uống với bạn bè hay nhóm hội, tôi đều tổ chức lai rai trước Tết 2-3 tuần để ai cũng thong thả., rảnh rang Đó là quan điểm của cá nhân tôi, để bản thân không bị động hay mệt mỏi. Tất nhiên, tùy vào hoàn cảnh của mỗi người mà chúng ta sắp xếp công việc sao cho hợp lý nhất. Tết là để vui vẻ chứ không phải tự tăng thêm áp lực".
Đồng quan điểm, bạn đọc Emilyfan cũng lựa chọn cách chuẩn bị Tết từ sớm để không bị căng thẳng khi kỳ nghỉ cận kề: "Năm nào cũng có Tết nhưng tôi thấy lạ là nhiều người không chịu rút kinh nghiệm từ các năm trước để sắp xếp thời gian, công việc từ sớm cho thảnh thơi. Như tôi cứ có đợt giảm giá quần áo nào là tôi mưa trước, để đó đến Tết rồi mặc, việc gì cứ phải dồn vào mấy ngày cuối năm mới đi sắm sửa áo quần cho cập rập.
Đồ ăn ngày Tết cũng vậy, nếu không rảnh thì mua đồ ăn bên ngoài, đồ ăn sẵn về ăn cũng được. Quà biếu hai bên nội - ngoại, quà tặng sếp... cũng có thể sắm trước. Tóm lại, cứ rảnh lúc nào là tôi tranh thủ đi mua sắm trước vài món, sao cứ phải dồn tất cả vào một thời điểm sát Tết mới mua rồi kêu ca mệt mỏi, bận bịu? Đấy là tôi còn có chồng con, nội - ngoại, mà Tết với tôi vẫn thảnh thơi vì không để 'nước đến chân mới nhảy'".
>> 30 triệu đồng chua cay một lần về quê ăn Tết
Đón Tết trên tinh thần nghỉ ngơi là chính, độc giả cũng Doanhnhitngh tìm cách giải tỏa bớt những áp lực không cần thiết: "Bản thân tôi mấy năm đầu mới đi làm cũng có rơi vào trạng thái stress mỗi dịp Tết đến. Tuy nhiên, điều đó đến chủ yếu là do tiệc tùng cuối năm liên miên. Dần dần tôi sắp xếp lại, chỉ hẹn toàn bộ đám bạn làm một buổi tất niên duy nhất, tham dự một buổi tiệc cuối năm với công ty, còn lại tôi từ chối hết, nên sau này không bị vấn đề tiệc tùng cuối năm bủa vây nữa.
Vé tàu, vé xe để về quê ăn Tết tôi cũng toàn canh mua trước cả tháng. Đến gần Tết bận bịu tôi chẳng phải bận tâm lo hết vé nữa. Sắm Tết, quà Tết tôi cũng chẳng áp lực gì, chủ yếu có gì dùng nấy, điều kiện tới đâu thì sắm tới đó. Chẳng ai bắt tôi phải sắm này, sắm kia, cũng chẳng cần phải nhìn mặt người khác để lo này, lo nọ, nên tôi rất thoải mái khi đến Tết.
Tôi quan niệm Tết là kỳ nghỉ, kỳ du xuân, kỳ vui chơi, chứ chẳng tạo áp lực cho mình và người thân bao giờ. Ngày còn nhỏ, nhà nghèo, tới Tết là bố mẹ cố sắm cho mấy anh em tôi mỗi người được bộ đồ mới, mua vài túm bánh kẹo và cả nhà cùng gói bánh tét đêm giao thừa, thế là xong. Giờ cả nhà tôi cũng giữ nếp sống đơn giản đó, không so sánh hơn thua với nhà khác, nên chẳng thấy áp lực gì cả".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.