Quan điểm tích trữ của tác giả bài viết "Bài toán có năm tỷ đồng nhờ gửi tiết kiệm cả đời" theo tôi cũng không sai, trừ trường hợp ngân hàng phá sản (điều rất khó xảy ra). Thực ra, tư tưởng "kiến tha lâu có ngày đầy tổ", "tích tiểu thành đại" cũng là một lựa chọn tốt để đảm bảo tiền mồ hôi nước mắt của mình an toàn. Tuy nhiên, đó chưa phải là cách hay nhất vì tiền có thể mất giá hoặc khi ngân hàng gặp khủng hoảng thì chính ta là người bị thiệt thòi nhất. Vả lại, cuộc đời đâu ai muốn về già chỉ có ngần đó tiền tiết kiệm, ít nhất cũng phải có nhiều hơn để sống an nhàn và cho con cái khi cần chứ phải không?
Tôi là một kỹ sư IT, lương khi đó chỉ có vài triệu đồng một tháng, lại phải nuôi vợ nội trợ và ba đứa con, nên tiền không thể gọi là nhiều để có tích lũy. Tuy nhiên, vợ tôi luôn muốn có cái nhà để an nhiên về già. Với mức lương của mình, tôi không thể mua đứt một cái nhà trong một lần. Thay vào đó, tôi chỉ có thể mua trả góp bằng lương trả trong nhiều năm. Tôi quyết định vay ngân hàng trả góp trong 5 năm, căn nhà lúc tôi mua chỉ có giá 400 triệu đồng, nhưng may mắn sau bốn năm nó đã lên 1,2 tỷ đồng.
Thực ra, tôi cũng chẳng ham hố làm giàu gì, chỉ mong muốn thoát cảnh ở thuê và về già có cái chỗ để lót thân. Để trả nợ khoản vay, có năm chúng tôi còn không có tiền tiêu Tết, nhưng hai vợ chồng đều vui vì mình đã có riêng. Khi cuộc sống bị o ép lại do tài chính thì cả hai sẽ cố gắng hơn. Hiện nay, với cách này, tôi không những chỉ có một nhà, còn còn có thêm cả đất.
>> 15 năm bám trụ Sài Gòn từ hai bàn tay trắng
Ông bà ta nói "có chí làm quan, có gan làm giàu", nếu bạn chờ đủ tiền để mua nhà bằng lương gom góp hàng tháng thì chắc sẽ khó mua được, trừ khi lương của bạn vài trăm triệu đồng một tháng. Tôi cũng đã làm thế cho cái nhà đầu tiên và sau đó là đất. Đôi khi, đặt mình vào vai con nợ, tôi cảm thấy mình sẽ phải cố gắng vượt bậc hơn nữa cho gia đình, con cái. Có thể điều đó làm chúng ta mất đi cái thú vui chơi, du lịch như nhiều người dù khó vẫn hưởng thụ, nhưng khi chân ta đã mỏi thì cũng có thể tự hào rằng mình đã làm được những cái mà khi còn trẻ mình không thể nghĩ là sẽ làm được.
Tất cả các bạn bè làm IT của tôi cũng làm vậy nên sau này đều có nhà, có đất. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải tính toán khoản vay, chỉ trả ngân hàng trong khoảng 60% lương của cả hai cộng lại thôi, để còn tiền sinh sống và tích lũy chút nếu có sự cố. Cuộc đời đôi khi cũng phải liều một chút, chẳng ai muốn nợ nần, nhưng nếu không làm thế thì bao giờ bạn sẽ có cái mình muốn? Đó là chưa kể gom góp mua chung cư giá rẻ nhiều khi còn trượt giá, còn nhà đất vẫn tăng đều. Nếu trong quá trình gánh nợ, có việc cần tiêu đến tiền, bạn có thể vay mượn để giải quyết, nhưng quan trọng là bạn vẫn có một tài sản cố định: căn nhà.
Tóm lại, quyết định là ở mỗi người, thành bại cũng do chính bạn định đoạt, nên tôi chẳng thể lấy thành công của cá nhân mình để khuyên bảo ai rằng thế nào là đúng, là sai. Chỉ hy vọng chia sẻ này có thể giúp các bạn có thêm một gợi ý để tiếp thêm động lực trong công cuộc vươn lên bằng hai bàn tay sạch.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.