Ai cũng nói nghề giáo viên là một nghề vô cùng cao quý trong rất nhiều nghề cao quý theo quan niệm ngàn đời của đất nước mình. Tuy nhiên, giờ đây liệu họ còn có đủ sự an tâm và kiên nhẫn để làm nghề hay không?
Gia đình tôi có truyền thống sư phạm. Ông, Cha, các Cô tôi đều là giáo viên, tổng cộng có 7 người theo nghề nhà giáo.
Thời điểm tôi biết là những năm 80, lương giáo viên cực kỳ thấp hầu như ngoài giờ lên lớp giáo viên phải tảo tần làm đủ thứ nghề để đảm bảo cuộc sống.
Tôi còn nhớ cha tôi chỉ có đúng hai bộ đồ để đến lớp, các cô tôi cũng chật vật để theo nghề sư phạm thế nhưng họ vẫn nhiệt huyết hết mình khi được đứng trên bụt giảng.
Những người làm nghề giáo ngày xưa là thế đấy, đơn giản, thiếu thốn cơ sở vật chất, chế độ thấp nhưng họ vẫn gắn bó đến tận bây giờ và ngày ngày đều đặn đến lớp.
>> Thầy cô sống chật vật vì lương thấp, không phải do nghề giáo vất vả
Còn giờ đây là thời đại mà giáo dục kết hợp công nghệ thông tin. Giáo viên được tiếp cận với phương pháp dạy học hiện đại, giáo án ngày xưa được thay bằng giáo án điện tử và trình chiếu. Lương được cải thiện và chế độ tốt hơn và cũng từ đấy rất nhiều vấn đề xuất hiện.
Giáo viên mỗi ngày đến lớp lại mang theo một tâm trạng lo sợ. Chịu áp lực từ nhiều phía như phụ huynh, gia đình và xã hội trong khi vẫn phải đảm nhiệm công tác giáo dục học sinh.
Được ủy thác trách nhiệm nhưng không nhận được sự tin tưởng trọn vẹn từ phía gia đình, và chỉ cần có một sơ suất nhỏ nào đó thì giáo viên nhận đầy đủ sự chỉ trích và lên án của xã hội.
Như tôi nói, chế độ và lương của giáo viên có cải thiện nhưng trung bình mức lương vẫn còn rất thấp, có khi còn thua cả một nhân viên bán hàng tại một trung tâm mua sắm nào đó. Nhưng trách nhiệm của Nhà giáo là giáo dục cả một thế hệ con em, mà trong đó có thể có rất nhiều người sẽ giữ những vị trí chủ chốt của đất nước.
>> Nếu là học sinh giỏi, tôi sẽ không chọn ngành sư phạm
Thế có công bằng hay không đối với họ khi mà học sinh đánh nhau cũng là lỗi của họ, học sinh không giỏi cũng lỗi của họ, học sinh không ngoan cũng do họ. Phải chăng việc đóng tiền và đưa con vào trường là mặc định trẻ sẽ phát triển toàn diện?
Nhưng! Tôi lại thấy những con người làm nghề giáo họ cực kỳ yêu nghề và bám trụ với nghề. Họ có thể làm 5 năm 10 năm 20 năm hay cho đến khi nghỉ hưu cho dù cuộc sống họ có như thế nào.
Phải chăng họ luôn ý thức được việc giáo dục con người là đam mê và trách nhiệm cho con đường mang văn hóa đến với trẻ em là vô vàn khó khăn. Bỏ qua những câu chuyện những bảo mẫu đánh đập trẻ em, chạy đua thành tích, nâng điểm và gian lận thi cử qua một bên.
>> Giáo viên sai phạm không thể đổ lỗi áp lực công việc
Nhìn nhận khách quan rằng ngành giáo dục hầu hết các thầy cô đã, đang và luôm âm thầm mang kiến thức đến cho con em chúng ta cho dù bất kỳ ở đâu. Là thành thị, nông thôn, miền núi hay hải đảo.
Đừng vì một, hai cá nhân mà đánh giá một tập thể, một ngành nghề. Các bậc phụ huynh và xã hội hãy có cái nhìn khách quan và tin tưởng họ hơn để họ an tâm khi đứng trên bụt giảng, để lửa đam mê không ngừng cháy có như vậy họ mới an tâm truyền đạt được hết những kiến thức cho con em chúng ta.
Đôi lời cuối cùng gửi đến những người làm nghề giáo: Hãy vững tin và vững tay chèo để đưa những lớp học sinh sang bến an toàn, hãy giữ mãi tinh thần nhiệt huyết và say sưa khi đến lớp. Những chiến sĩ kiên cường trên mặt trận trồng người.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.