Bạo lực học đường sinh ra cùng với trường học, tồn tại mãi mãi cùng với trường học, và sẽ chỉ thực sự mất đi khi trường học không tồn tại.
Thay vì tìm cách "triệt tiêu", "loại bỏ" bạo lực học đường người ta nên tìm cách nhận biết, điều tra, và đưa ra những giải pháp đối mặt với vấn đề muôn thuở này.
Vụ bạo lực học đường ở Hưng Yên cho thấy những người đang chịu trách nhiệm xử lý vấn đề này một mặt, chưa hiểu về bản chất của bạo lực trong học đường, mặt khác, hành xử chưa đúng mực với những người làm giáo dục vì áo lực từ dư luận.
Theo đó, vị lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã "chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý cách chức hiệu trưởng, toàn bộ ban giám hiệu, chi ủy, hội đồng kỷ luật nhà trường, cán bộ đoàn đội, xem xét buộc ra khỏi ngành giáo viên chủ nhiệm".
>> Thời 'nhìn đểu cũng bị đâm dao', tôi dặn con một sự nhịn chín sự lành
Tôi tự hỏi, nếu như mọi người đồng ý rằng bạo lực học đường có trách nhiệm của gia đình, nhà trường, và cả xã hội, tại sao những thầy cô giáo là người phải gánh chịu tất cả hậu quả này?
Bạo lực học đường có thể khởi nguồn từ gia đình: từ việc mấy người phụ nữ trong gia đình đánh nhau, cào mặt, lột đồ làm nhục lẫn nhau trước mặt trẻ con, để cho các cháu học tập.
Bạo lực bắt đầu từ việc người chồng say rượu, đập vỡ mặt vợ để thể hiện sự "yêu thương chăm sóc" trước mắt con trẻ. Để rồi con trẻ đến trường, đập vỡ mặt bạn vì chuyện đó là cách nó học được để "thể hiện sự yêu thương quan tâm chăm sóc với bạn bè".
Bạo lực học đường bắt đầu từ phim ảnh yêu đương cướp giết hiếp, tràn ngập khắp nơi.
>> Học sinh Sài Gòn đóng cảnh nhạy cảm - 'thà vẽ đường cho hươu chạy đúng'
Bạo lực học đường bắt đầu từ sự thiếu hiểu biết nâng quan điểm một hiện tượng bình thường xảy ra trong mọi nhà trường, song từ chối nhìn vào bản chất và điều tra nguyên nhân thấu đáo để có một giải pháp phù hợp.
Cá nhân tôi, tôi đứng về phía những thầy cô giáo không có tiếng nói ở Hưng Yên. Họ đang trở thành những con dê tế thần trong một guồng máy rệu rã.
Những người đang đòi xử lý thầy cô, nên nhớ, việc làm này sẽ huỷ diệt cuộc đời, sự nghiệp của những nhà giáo và cùng con cái, gia đình của họ.
Xử lý bạo lực học đường, tôi hoan nghênh. Nhưng cách xử lý giáo viên như vậy, là một dạng thức của bạo lực học đường, bạo hành giáo viên. Ai sẽ xử lý việc này?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.