Sáng nay tôi đọc tin tức nói về một nam công nhân ở Bình Dương sau khi đi nhậu tất niên về thì say quá, lăn ra đất trước nhà trọ ngủ. Kết cục là anh này bị trộm mất chiếc xe máy hơn 50 triệu đồng.
Tôi thấy nhiều người bình luận rằng giáp Tết mà mất tài sản giá trị là xui xẻo, coi như của đi thay người, không bị tai nạn là có phúc phần rồi. Vậy tại sao họ không nói rằng "phải chi đừng ham ăn nhậu đến say khướt, thì đã không bị trộm xe".
Tôi, nam giới, ngoài 30 tuổi, không ăn nhậu vì không biết uống bia rượu. Tôi cũng chưa bao giờ để ai ép uống hoặc khích bác đến nỗi phải uống rượu bia. Kết quả là tôi có rất ít bạn bè.
Hình như, ở ta nhiều mối quan hệ được xây dựng qua rượu bia và ở quán nhậu. Dịp cận Tết này, nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi không có thời gian nghỉ ngơi, hầu như chiều tối nào cũng có "kèo" ăn nhậu tất niên. Dĩ nhiên mối quan hệ xã hội của họ nhiều, còn tôi do không biết uống rượu bia nên rất ít bạn bè.
Trước đây, lúc mới đi làm tôi cũng có kha khá bạn bè và những mối quan hệ làm ăn ngoài xã hội. Nhưng dần dần, sau những chầu nhậu mà họ uống bia liên tục, còn tôi ngồi uống nước suối thì những cuộc nhậu sau này họ không thèm rủ nữa. Bạn bè biết tôi không nhậu cũng không mời, rủ đi nhậu.
Tôi chợt nhận ra, trong suy nghĩ tự nhiên, nhiều người Việt coi chuyện ăn nhậu là bình thường, kiểu "nam vô tửu như kỳ vô phong". Và nhiều nam giới ngoài việc "chém gió", lobby chuyện làm ăn trên bàn nhậu thì cũng không biết phải nói chuyện hay giải trí ở đâu.
Thành Trung
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.