Theo Học viện Quân y, các tình nguyện viên tiêm đủ hai liều Nanocovax hiện có sức khỏe bình thường. Một số người xuất hiện phản ứng phụ nhẹ như sưng vùng tiêm, đau cơ khớp, song các phản ứng này hết nhanh sau khi nghỉ ngơi. Tổng cộng 280 người đã tiêm thử tại Long An, 271 người tại Hà Nội. Còn 9 người tại Hà Nội sẽ được tiêm trong tuần này.
Nanocovax là vaccine Covid-19 do Công ty Nanogen nghiên cứu, phát triển, đưa vào thử nghiệm lâm sàng từ tháng 12/2020. Đến nay, thử nghiệm lâm sàng đã bước qua giai đoạn hai, mở rộng ra nhóm người cao tuổi và có bệnh lý nền. Hiện, 108 người cao tuổi đã được tiêm vaccine, trong đó, cao nhất là 76 tuổi. Sau tiêm, họ đều có phản ứng nhẹ, không có biểu hiện bất thường.
Sau giai đoạn một, các đánh giá sơ bộ cho thấy vaccine an toàn, tính sinh miễn dịch cao. Kháng thể của tình nguyện viên tăng mạnh sau khi tiêm liều hai, lượng kháng thể truyền tải qua huyết thanh gần như 100%.
Vaccine Covivac do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (Ivac) được đưa vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một trên 120 người. Đến ngày 6/4, có 66 người đã tiêm liều một. Sức khỏe của các tình nguyện viên bình thường. Một số người gặp phản ứng phụ ở mức độ nhẹ như đau vết tiêm, đau đầu, cảm giác đau cơ, mệt mỏi. Các phản ứng phụ này đa số chỉ kéo dài trong khoảng một ngày.
Song song với thử nghiệm lâm sàng, Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca. Nguồn vaccine đến từ 2 lô vaccine gồm 117.600 liều mua của AstraZeneca, và 811.200 liều từ Cơ chế Cova. Tới chiều 6/4, đã có gần 53.000 người được tiêm vaccine.
Bộ Y tế vừa yêu cầu Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố lập danh sách 10 nhóm ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 miễn phí, nhằm xây dựng kế hoạch phân phối vaccine và tiêm chủng thời gian tới. Theo đó, nhóm 10 người được ưu tiên tiêm chủng gồm:
- Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch như người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch ví dụ thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ truy vết covid cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...; quân đội và công an địa phương tham gia phòng chống dịch.
- Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và người thân được cử đi công tác nhiệm kỳ; cán bộ trực tiếp tham gia đón các đoàn khách của Chính phủ và đón người Việt Nam từ nước ngoài về; đoàn ngoại giao và các tổ chức thuộc hệ thống Liên Hợp quốc tại Việt Nam.
- Nhân viên hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
- Người cung cấp dịch vụ thiết yếu thuộc hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...
- Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
- Người mắc các bệnh mãn tính.
- Người trên 65 tuổi.
- Người sinh sống tại các vùng có dịch.
- Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
- Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
Chi Lê