Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nêu mong muốn trên trong cuộc gặp đại diện ngoại giao Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản và các tổ chức quốc tế, ngày 1/4.
Hiện Mỹ đã phê duyệt vaccine Covid-19 của Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson, tiêm hơn 220 triệu liều trong thời gian ngắn. Bộ trưởng Long, khi thảo luận với đại sứ Daniel Kritenbrink, đề nghị Mỹ tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận các loại vaccine này. Hai bên sẽ thiết lập nhóm công tác tạm thời trong tiếp cận và hỗ trợ vaccine Covid-19.
Các công ty ở Nhật Bản cũng đang phát triển các vaccine với những tín hiệu khả quan, nguồn cung dồi dào. Bộ trưởng Long đề nghị Nhật Bản hỗ trợ, chia sẻ nguồn vaccine, đồng thời hợp tác chuyển giao công nghệ để sản xuất và thử nghiệm vaccine ở Việt Nam.
Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio cho hay hiện hai nước đã có những hỗ trợ trong phòng chống Covid-19. Tại cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với Thủ tướng Suga Yoshihide hôm 22/3, Nhật Bản hứa sẽ hỗ trợ cho Việt Nam 220 triệu yen.
Một nguồn khác Việt Nam hướng đến là vaccine từ châu Âu. Theo Trưởng Phái đoàn EU Giorgio Aliberti, Liên minh châu Âu đã đóng góp trên 2,5 tỷ USD vào cơ chế Covax. Ngày 1/4 Việt Nam đã nhận được hơn 800.000 liều đầu tiên qua cơ chế này. Bộ trưởng Long đề nghị EU hỗ trợ trong các chính sách tiếp cận nguồn vaccine của châu Âu, không chỉ qua cơ chế Covax mà còn từ nguồn trực tiếp hay các chương trình khác.
Năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine để tiêm chủng cho người dân, đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Một mặt Việt Nam đàm phán nguồn cung cấp vaccine từ nước ngoài, mặt khác thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Song, so với nhu cầu, Việt Nam vẫn còn thiếu lượng vaccine khá lớn.