16h ngày 28/9, sau 3 ngày xét xử và nghị án, TAND Cấp cao tại Hà Nội ra phán quyết trên với 6 người trong vụ án Ethanol Phú Thọ và bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Theo đó, ông Vũ Thanh Hà (cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoá dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB) bị phạt 6 năm 6 tháng tù, bồi thường 100 tỷ đồng. 5 người còn lại bị phạt từ 2 năm đến 3 năm 6 tháng tù, mỗi người phải bồi thường 10 tỷ đồng. 6 người bị tuyên phạm tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; cùng kháng cáo xin giảm hình phạt, xin hưởng án treo, xem xét lại mức bồi thường dân sự.
HĐXX nhận định, các bị cáo đều là người có năng lực và quyền hạn, giữ vị trí chủ chốt quan trọng trong tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, được tin tưởng giao cho quản lý vốn và tài sản quốc gia. Biết rõ quy trình đấu thầu và năng lực của nhà thầu PVC không đạt, các bị cáo vẫn chấp thuận cho thực hiện, khiến dự án Ethanol Phú Thọ suốt dang dở 8 năm, chưa hoàn thiện hạng mục nào, làm lãng phí nguồn lực kinh tế xã hội nghiêm trọng.
"Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại đặc biệt lớn cho PVB", bản án nhận định.
Thiệt hại được vụ án được xác định hơn 543 tỷ đồng. Đây là toàn bộ số tiền lãi phát sinh mà PVB đã trả và còn phải trả cho các ngân hàng từ khi dự án dừng thi công đến ngày khởi tố. Dựa trên vai trò của từng bị cáo trong vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên mức bồi thường dân sự là hợp lý, không có căn cứ để miễn giảm, toà phúc thẩm nêu quan điểm.
Tòa phúc thẩm cũng bác kháng cáo của Công ty TNHH và đầu tư Mai Phương về việc không đồng ý giao quyền chuyển nhượng sử dụng lô đất 3.400 m2 ở Tam Đảo cho PVC. Theo đó, toà nhận thấy mảnh đất được mua bằng tiền của PVC, được sử dụng trái pháp luật, chủ trương góp vốn chỉ là hình thức để Trịnh Xuân Thanh che giấu hành vi vi phạm pháp luật.
Theo bản án tuyên chiều nay, PVC là Công ty cổ phần có vốn của nhà nước, do đó mảnh đất 3.400 m2 là tài sản của nhà nước. Tòa sơ thẩm tuyên PVC có quyền quản lý sử dụng là hợp lý. Do đó nội dung kháng cáo này sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác khi có yêu cầu khởi kiện, như bản án sơ thẩm đã nêu.
Các buổi xét xử trước, 6 bị cáo thừa nhận hành vi, song cho rằng không thể làm trái ý lãnh đạo, bản thân không có quyền tự quyết. Theo họ, dự án thất bại do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự biến động của thị trường nguyên vật liệu thế giới, khiến vốn dự kiến không đủ hoàn thành dự án.
"Cả cuộc đời tôi cống hiến cho đất nước và nhân dân, chưa từng có ý đồ tư lợi, đến lúc nghỉ hưu, tài sản cũng không có gì", ông Vũ Thanh Hà nói lời sau cùng. Trong vụ án này, ông phải bồi thường 100 tỷ đồng.
Đại diện Công ty TNHH và đầu tư Mai Phương xin bồi thường thay Trịnh Xuân Thanh khoản dân sự 13 tỷ đồng cho PVC để được giữ lại quyền sử dụng mảnh đất 3.400 m2 tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Phía PVC không đưa quan điểm, nói lãnh đạo công ty cần bàn bạc trước khi quyết định. Nguyện vọng của PVC là được bồi thường sớm và đúng theo quy định pháp luật.
Đại diện VKSND Tối cao tại phiên phúc thẩm kiến nghị HĐXX bác toàn bộ kháng cáo do mức án sơ thẩm đã khoan hồng, hợp lý, các khoản bồi thường tính toán dựa trên vai trò của mỗi bị cáo trong vụ án. "Quan trọng nhất là công sức và lòng tin của nhân dân bị thiệt hại không thể đong đếm, và nó lớn hơn nhiều 543 tỷ đồng", vị này nói.
Ngày 15/3, phiên tòa sơ thẩm của TAND Hà Nội tuyên phạt 12 bị cáo tại vụ án Ethanol Phú Thọ từ 2 đến 11 năm tù, buộc phải bồi thường hơn 543 tỷ đồng thiệt hại cho PVB.
Về dân sự, ông Đinh La Thăng, cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bồi thường 200 tỷ đồng, Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch PVC, hơn 143 tỷ đồng, ông Hà 100 tỷ đồng. Các bị cáo còn lại mỗi người bồi thường 10 tỷ đồng. Riêng mảnh đất 3.400 m2 tại Tam Đảo được tòa tuyên trả lại cho PVC để gán làm tài sản bồi thường.
Trong 12 bị cáo, ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh bị tuyên mức án cao nhất, lần lượt 11 và 10 năm tù, song không kháng cáo.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2009 dự án Ethanol Phú Thọ được phê duyệt xây dựng tại huyện Tam Nông, Phú Thọ với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng. Theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, PVB không tổ chức đấu giá mà chỉ định thầu trái luật cho liên danh của PVC của Trịnh Xuân Thanh, bị đánh giá không đủ năng lực, khiến dự án sau bị ngưng trệ, thiệt hại hơn 543 tỷ đồng.
Trong việc thâu tóm 3.400 m2 đất ở Tam Đảo, bản án nhận định ông Thanh dùng tiền của PVC tạm ứng cho thực hiện dự án của PVC để mua đất. Ông Thanh sau đó thành lập Công ty Mai Phương, nhờ bố đẻ đứng tên chủ sở hữu kiêm người đại diện theo pháp luật. Công ty sau đó được chuyển nhượng cho vợ ông Thanh để qua đó hợp thức hóa mảnh đất. Hành vi của ông Thanh khiến PVC thiệt hại 13 tỷ đồng.
Thanh Lam