Giới chức thân Nga ở 4 vùng Donetsk, Lugansk thuộc miền đông và Kherson, Zaporizhzhia ở miền nam ngày 20/9 thông báo sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về sáp nhập Nga ngày 23-27/9.
Tổng thống Putin hôm nay ra lệnh "động viên một phần", cho phép quân đội Nga huy động 300.000 quân nhân phục vụ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Những động thái mới từ phía Nga và phe ly khai ở Ukraine cho thấy lựa chọn của Moskva đang bị thu hẹp, sau những bước lùi trên chiến trường và sự chỉ trích ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế về cuộc chiến, theo các nhà phân tích.
"Ông Putin không có gì để mất và sẽ sử dụng tất cả nguồn lực để đối phó với đối thủ", Tatiana Stanovaya, học giả tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế kiêm nhà sáng lập tổ chức tư vấn chính trị R.Politik, nhận xét.
Giới quan sát cho rằng sau khi sáp nhập các vùng lãnh thổ, Moskva có thể sẽ tuyên bố các cuộc tiến quân của Ukraine vào những khu vực đó là tấn công nước Nga.
Học giả Stanovaya cho rằng vũ khí hạt nhân sẽ là biện pháp cuối cùng mà ông sử dụng, nhưng cộng đồng quốc tế không nên loại trừ khả năng này.
Andrey Kortunov, tổng giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, ban cố vấn về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Điện Kremlin, cho biết Tổng thống Putin quyết tâm thấy Nga chiến thắng và sẽ không lùi bước bất chấp những khó khăn mà ông phải đối mặt.
Margarita Simonyan, tổng biên tập của RT và là người ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn với Nga, hôm 20/9 ám chỉ rằng các cuộc trưng cầu dân ý là một dấu hiệu cho những hành động kịch tính hơn sắp tới.
"Đánh giá những gì đang và sắp xảy ra, tuần này đánh dấu thời khắc chiến thắng sắp tới của chúng tôi hoặc thời khắc chuyển sang chiến tranh hạt nhân. Tôi không thấy có lựa chọn nào khác", Simonyan viết trên Twitter.
Nhà phân tích Stanovaya cho biết xúc tiến trưng cầu dân ý là một dấu hiệu cho thấy ông Putin đã chọn một con đường mới nguy hiểm. "Một tối hậu thư rõ ràng từ phía Nga đối với Ukraine và phương Tây: rút lui hoặc chiến tranh hạt nhân", bà nói.
Bà thêm rằng ông Putin không muốn giành chiến thắng trên chiến trường, thay vào đó muốn Kiev phải đầu hàng mà không cần giao tranh.
Moskva đang đối mặt với vấn đề thiếu nhân lực nghiêm trọng trên chiến trường ở Ukraine, khi nhiều người từ chối gia nhập quân ngũ hoặc các binh sĩ đào ngũ, đầu hàng. Nỗ lực tuyển quân lớn, bao gồm cả chiêu mộ tù nhân và gửi tình nguyện viên đến tiền tuyến, cũng chưa thể giúp Nga lấy lại động lực đã mất, theo các chuyên gia.
Ngày 20/9, Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) thông qua dự luật bổ sung các hình thức trừng phạt quân nhân phạm tội trong giai đoạn "tổng động viên, thiết quân luật, thời chiến, xung đột vũ trang hay hoạt động chiến đấu". Họ sẽ phải chịu án tù nặng hơn những quân nhân phạm tội trong thời bình. Đây là lần đầu tiên khái niệm "tổng động viên" được đưa vào bộ luật hình sự Nga.
Động thái này khiến giới chuyên gia cho rằng Nga sẽ tuyên bố tổng động viên. Tuy nhiên, ông Putin hôm nay chỉ ra lệnh "động viên một phần".
Tổng động viên là hành động vừa mang tính kêu gọi vừa mang tính mệnh lệnh khi quốc gia chuyển sang trạng thái chiến tranh. Đối tượng của lệnh có thể mở rộng đến cả người chưa trải qua huấn luyện quân sự như học sinh, sinh viên, công nhân, công chức, nông dân nếu tình hình yêu cầu.
Lệnh "động viên một phần" do ông Putin công bố chỉ được áp dụng với lực lượng quân nhân dự bị, cũng như các quân nhân đã giải ngũ, có kinh nghiệm trong hoạt động quốc phòng. Lính nghĩa vụ cũng sẽ được huấn luyện bổ sung trong giai đoạn này.
Dara Massicot, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại tổ chức Rand Corporation và chuyên nghiên cứu về quân sự Nga, cho rằng Nga không lựa chọn tổng động viên vì nếu làm vậy, Moskva cũng khó có một cuộc chiến hiệu quả trên chiến trường.
"Nếu bạn kêu gọi mọi người tham gia ngay bây giờ và đào tạo họ trong nhiều tháng, bạn có thể làm được điều gì đó với họ vào mùa xuân và mùa hè tới. Nhưng vấn đề là ai sẽ đào tạo họ và trang thiết bị cũng đang thiếu nghiêm trọng", Massicot nói.
Với động viên một phần, lực lượng dự bị có thể được giao những nhiệm vụ đơn giản như trấn giữ các vị trí. "Không thể phát triển đội ngũ lực lượng chuyên nghiệp trong một sớm một chiều, nhưng đó là những gì họ cần", bà nói.
Các quan chức và chuyên gia Nga từ nhiều tháng nay khẳng định rằng cuộc chiến mà nước này khởi xướng ở Ukraine thực sự là một phần cuộc chiến lớn hơn chống NATO. Cựu tổng thống Nga Medvedev cho biết việc sáp nhập các khu vực sẽ thay đổi sự phát triển của Nga trong những thập kỷ tới và "quá trình chuyển đổi địa chính trị trên thế giới sẽ không thể đảo ngược".
Grigorii Golosov, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Châu Âu ở St.Petersburg, cho biết kế hoạch trưng cầu dân ý là màn dạo đầu cho leo thang quân sự ở Ukraine, nỗ lực nhằm khiến chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky và những người ủng hộ bị khuất phục, cũng như khiến phương Tây ngày càng lo ngại nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.
Tuy nhiên, giáo sư Golosov cũng để ngỏ cánh cửa ông Putin sẵn sàng thỏa hiệp trong bối cảnh các mối đe dọa bủa vây.
"Rất có thể bằng cách tiến hành những động thái này, Điện Kremlin cho thấy họ đã sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán thực sự. Nhiều chính trị gia thường leo thang căng thẳng trước khi bước vào một cuộc đàm phán thực sự. Đây là một chiến thuật đàm phán thường thấy", ông nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ, Washington Post)