Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 25/2 đăng một đoạn video ngắn tuyên bố Ukraine tiếp tục chiến đấu trước cuộc tấn công của Nga.
"Tất cả chúng tôi đều ở đây", ông Zelensky nói. "Tất cả chúng tôi đều ở đây để bảo vệ nền độc lập của chúng tôi, nhà nước của chúng tôi và hơn thế nữa. Vinh quang sẽ dành cho những người bảo vệ chúng tôi, cho Ukraine".
Cùng ngày, lãnh đạo Ukraine cũng điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong 40 phút về tăng cường biện pháp trừng phạt Nga và những bước khác để đáp trả cuộc tấn công của Moskva. Vài giờ sau, chính quyền Biden tuyên bố cùng với Liên minh châu Âu áp các biện pháp trừng phạt mới với Tổng thống Nga Vladimir Putin và một số cộng sự.
Tổng thống Putin ngày 24/2 tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhằm "nỗ lực phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine", bất chấp bị phương Tây lên án. Sau hai ngày tiến hành chiến dịch, quân đội Nga đang áp sát thủ đô Kiev của Ukraine, nơi giao tranh diễn ra dữ dội.
Tổng thống Zelensky nhiều lần khẳng định ở lại thủ đô. Thậm chí trong một bài phát biểu ngày 24/2, ông nói khi người Nga tấn công Ukraine, "bạn sẽ thấy khuôn mặt của chúng tôi, chứ không phải bóng lưng của chúng tôi".
Nhưng giới chuyên gia cho rằng nếu Kiev không thể kháng cự thêm, tính mạng của ông Zelensky có thể gặp nguy hoặc ông có thể trở thành tù nhân của Nga. Nếu chạy trốn, ông có thể thiết lập các hoạt động ở tây Ukraine.
Tổng thống Ukraine có thể điều hành chính phủ từ phía tây đất nước nếu thiết lập được thông tin liên lạc thích hợp và lực lượng Ukraine tiếp tục chiến đấu chống lại cuộc tấn công của Nga, theo John Herbst, giám đốc cấp cao Trung tâm Á-Âu và cựu đại sứ Mỹ ở Ukraine năm 2003-2006.
"Những gì chúng tôi trông đợi là sự phản kháng của Ukraine tiếp tục và Nga không thể dập tắt", ông nói.
Khi ông Zelensky rời Kiev, Tổng thống Putin có thể thiết lập một chính phủ mà ông lựa chọn, theo Mitchell Orenstein, giáo sư nghiên cứu về Nga và Đông Âu tại Đại học Pennsylvania. Tuy nhiên, ông không cho rằng chính phủ mà Nga thiết lập ở đây có thể hoạt động suôn sẻ như mong đợi.
"Bởi sẽ có rất nhiều sự thù địch giữa những người Ukraine yêu nước và những người mà Putin có thể lựa chọn", Orenstein nói.
Nếu Tổng thống Zelensky phải rời khỏi Ukraine, ông sẽ có thể trở thành một lãnh đạo lưu vong. Kịch bản này từng xảy ra trong quá khứ. Trong Thế chiến II, khi chính phủ Ba Lan phải lưu trú tại London sau cuộc tấn công của Đức Quốc xã và Liên Xô vào năm 1939. Rada Cộng hòa Dân chủ Belarus (Rada BDR), lưu vong từ năm 1919, cũng là một ví dụ.
Vấn đề nan giải nhất đối với các chính phủ lưu vong là liệu họ có được đối xử như một chính phủ hợp pháp hay không, theo Paul D’Anieri, giáo sư khoa học chính trị và chính sách công tại Đại học California, Mỹ.
Trong trường hợp chính phủ Ba Lan lưu vong, D’Anieri nói các nước khác sẽ không biết nên đối xử như thế nào với một chính phủ được tuyên bố nhưng không thực sự nắm quyền điều hành đất nước.
Herbst cho rằng nếu ông Zelensky lãnh đạo một chính phủ lưu vong, đó sẽ là "thất bại đối với Ukraine", dù chiến tranh không kết thúc.
"Câu hỏi quan trọng là liệu sự kháng cự của Ukraine trước cuộc tấn công của Nga có tiếp tục được hay không", ông nói. Herbst thêm rằng Putin có thể đạt được những thành quả trong vài tuần tới, nhưng không biết liệu những thành quả này có đặt dấu chấm hết cho sự kháng cự của Ukraine hay không.
Chuyên gia Mỹ cho biết sự phản kháng của Ukraine và công dân nước này sẽ là vấn đề lớn đối với Tổng thống Nga trong tương lai, bất kể chính phủ của ông Zelensky có bị lật đổ hay phải rời đất nước hay không.
"Đây là một vấn đề thực sự với ông Putin. Ông ấy cần phải giành chiến thắng tương đối nhanh", ông nói. "Putin sẽ gặp vấn đề rất lớn nếu bốn tháng tới vẫn vấp sự kháng cự từ người Ukraine".
Thanh Tâm (Theo SCMP)