Sự kiện tối 18/6 diễn ra chóng vánh, khi nhà đấu giá đọc đến 400.000 euro (khoảng 10,9 tỷ đồng), một sự cố đường truyền xảy ra. Vì không kết nối được người mua, hãng quyết định gõ búa ở mức này. Kết quả được công bố chưa bao gồm phí.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Hoàng Anh, giám đốc nghệ thuật Viet Art View, giá tranh không vượt nhiều so với mức ước tính của Millon là 200.000-300.000 euro (khoảng 5,4-8,2 tỷ đồng). Bà cho rằng nguyên nhân một phần do sự cố nghẽn mạng.
Một trường hợp tương tự từng diễn ra trong phiên Arts D'asie, Tableaux Modernes của Art Research Paris tại trung tâm đấu giá Drouot, tháng 3/2023. Tác phẩm Chân dung mẹ tôi của danh họa Nam Sơn dừng lại ở kết quả 200.000 euro (5,1 tỷ đồng) bởi sự cố kỹ thuật trước giờ tổ chức khiến nhiều người mua online không vào được link, hoặc tham gia khi "búa đã gõ''.
Ông Lê Quang, đại diện nhà đấu giá Le Auction House, cũng tiếc nuối khi giá tranh chưa được như kỳ vọng. Theo ông, việc Millon yêu cầu mức đặt cọc khá cao cũng là lý do khiến lượng người đăng ký mua không nhiều.
Theo Millon, tranh được hoàn thành trong khoảng 1930-1945, trước và sau khi Lê Phổ định cư ở Pháp từ năm 1937. Đây là giai đoạn sáng tác đỉnh cao trên chất liệu lụa của họa sĩ. Các tác phẩm được ông vẽ ở thời kỳ này có sự giao thoa mạnh mẽ của văn hóa Đông - Tây.
Trong tranh, cử chỉ của hai mẹ con làm tôn lên vẻ đẹp tình mẫu tử. Bên chiếc bàn văn kỷ thấp, người phụ nữ nhẹ nhàng ôm con, gửi ánh nhìn trìu mến. Bé trai cũng vòng tay lên cổ mẹ, thể hiện tình yêu thương.
Họa sĩ sử dụng các sắc màu trung tính, tạo độ ấm. Hai nhân vật được tạo hình với tỷ lệ cân đối, hài hòa. Chi tiết người mẹ dùng khăn che một phần cơ thể bé trai được hình thành từ tư tưởng truyền thống của phụ nữ Á Đông là bao dung và che chở cho con. Hình ảnh cậu bé với dáng vẻ bụ bẫm, khỏe mạnh cũng cho thấy sự chăm sóc của mẹ.
Ông Hoàng Duy Cương - giám đốc Millon Việt Nam - cho biết việc tổ chức đấu giá duy nhất một tác phẩm Việt cho thấy hãng đánh giá cao thị trường mỹ thuật tại đây. Sự kiện này là tiền đề để nhà đấu giá tổ chức buổi Duplex Nghệ thuật Việt Nam: Trung tuần tháng 9 năm 2024, gồm sáng tác của những danh họa Đông Dương.
Millon thành lập năm 1928, trụ sở chính tại quận Drouot, Paris (Pháp). Sau sự kiện ấn vàng Hoàng đế chi bảo hồi hương tháng 11/2023, hãng nhận thấy người Việt có khát vọng lớn trong việc đưa những cổ vật, tác phẩm nghệ thuật về nước. Hồi tháng 4, Millon công bố sắp hoàn tất các thủ tục pháp lý để mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Theo ông Alexandre Millon, chủ tịch hãng, khi đó các phiên đấu giá nghệ thuật sẽ được diễn ra theo hình thức duplex - kết nối cùng lúc giữa Việt Nam và Pháp, tuân thủ luật pháp của cả hai nước.
Lê Phổ sinh năm 1907, là họa sĩ bậc thầy ở Việt Nam và trên thế giới với nhiều tác phẩm đắt giá. Ông được xưng tụng là "danh họa Việt Nam trên đất Pháp", thuộc nhóm tứ kiệt của hội họa Việt Nam, cùng Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm. Từ năm 1937, Lê Phổ sang Pháp và định cư đến khi qua đời năm 2001 tại Paris.
Danh họa có nhiều bức vẽ đạt triệu USD như Uyên ương hý liên, Thiếu nữ choàng khăn, Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn. Trong đó, bức Gia đình trong vườn đứng thứ hai những tranh Việt đắt nhất hiện nay, được Sotheby's gõ búa 2,37 triệu USD vào tháng 4/2023.
Phương Linh