Theo đại diện Cục Di sản văn hóa, thông tin thời gian chính xác cổ vật về đến Việt Nam cần được giữ kín vì lý do an ninh.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh) là đơn vị thực hiện hoàn tất các thủ tục tài chính về quyền lợi các bên liên quan đến ấn vàng, theo pháp luật Cộng hòa Pháp. Phía Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng sẽ lưu giữ, trưng bày ấn, đồng thời phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của bảo vật, theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Ông Nguyễn Thế Hồng, người sở hữu Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, chi 6,1 triệu Euro (hơn 153 tỷ đồng) mua ấn, dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam.
Ông Hồng ký cam kết với Cục Di sản văn hóa sẽ chỉ chuyển giao bảo vật cho cơ quan Nhà nước khi không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày ấn tại Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng. Chi phí chuyển giao bao gồm phí thuê luật sư đàm phán, phí mua ấn từ nhà đấu giá Millon, phí đưa ấn về nước.
Ngoài ra, nhà sưu tập còn cam kết trong trường hợp có tổ chức, cá nhân muốn mua lại ấn Hoàng đế chi bảo từ ông để tặng Nhà nước, ông sẽ đồng thuận chuyển nhượng.
Sự kiện là kết quả của hơn một năm đàm phán, thực hiện các thủ tục pháp lý yêu cầu dừng đấu giá công khai ấn Hoàng đế chi bảo tại Paris, đồng thời thỏa thuận, thống nhất các yêu cầu về việc chuyển giao ấn vàng cho phía Việt Nam.
Chiều 16/11, buổi lễ chuyển giao ấn diễn ra tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp, trước sự chứng kiến của đoàn công tác liên ngành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì cùng Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an.
Phía Việt Nam gồm Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, đại diện Bộ Công an Việt Nam. Ngoài ra, đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, đại diện UNESCO, cũng có mặt.
Hành trình hồi hương ấn vàng nhận sự quan tâm lớn của công chúng, sau khi nhà đấu giá Millon của Pháp chào bán ấn với mức 2-3 triệu euro (48 đến 72 tỷ đồng), hồi tháng 10/2022.
Sau quá trình xác minh, Cục Di sản Văn hóa khẳng định ấn vàng Hoàng đế chi bảo là thật. Các cơ quan chức năng mong muốn huy động mọi nguồn lực để đưa ấn về nước. Phương án khác được đưa ra là các cơ quan, tổ chức trong nước có thể quyên góp, tham gia đấu giá ấn, đưa về và hiến tặng cho bảo tàng.
Hãng Millon sau đó nhiều lần dời lịch đấu giá, tạo điều kiện cho phía Việt Nam có thêm thời gian thương lượng để mua lại.
Tháng 11/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo đàm phán thành công với hãng đấu giá Millon để chuyển giao ấn về Việt Nam, "trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp". Đại diện Bộ cho biết hồi hương ấn vàng không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, "chảy máu" ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc.
Ông Nguyễn Thế Hồng - nhà sưu tập tư nhân ở Bắc Ninh - là người mua ấn vàng để bổ sung vào bộ sưu tập cá nhân.
Hiện vật được đặt tên Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841), cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7 cm.
Mặt trên của ấn khắc hai dòng chữ: "Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo" (Được làm vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823) và "Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân" (Làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, khoảng 10,7 kg). Đế ấn in dòng chữ "Hoàng đế chi bảo" (Báu vật của hoàng đế).
Theo cuốn Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, ấn được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho nước ngoài. Đại diện Cục khẳng định Hoàng đế chi bảo là ấn vàng lớn, đẹp, quý và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn.
Bảo vật gắn với nhiều mốc lịch sử trọng đại. Chiều 30/8/1945, sau khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại trao ấn "Hoàng đế chi bảo" - được chọn trong số 200 ấn triện các loại được lưu giữ tại điện Cần Chánh và Ngự tiền văn phòng, cùng thanh bảo kiếm mà vua Khải Định (lên ngôi từ 1916 đến 1925) trao lại, cho chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn.
Nhà sử học Trần Huy Liệu tiếp nhận bộ ấn kiếm, chuyển về Hà Nội trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.
Tháng 12/1946, thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội, hiện vật được đem giấu tại ngôi nhà ở làng Nghĩa Đô - vốn là xưởng in tiền của Việt Minh. Ngôi nhà bị phá hủy vào năm 1947. Ngày 28/2/1952, một tiểu đoàn của Pháp do Tiểu đoàn trưởng Toce Raymond chỉ huy, đào bới phần móng nhà để thu gạch vỡ, phát hiện hai chiếc hòm đựng bộ ấn kiếm.
Cùng năm, Pháp trao hai hiện vật cho cựu hoàng Bảo Đại, khi đó là Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam. Sự kiện diễn ra ngày 8/3/1952, được tạp chí Paris Match của Pháp ghi lại. Khi đó Bảo Đại đang ở Pháp, Đoan Huy hoàng thái hậu và bà Mộng Điệp - thứ phi của cựu hoàng - thay mặt ông tiếp nhận bộ ấn kiếm.
Năm 1953, do tình hình chiến tranh, Bảo Đại cử bà Mộng Điệp mang hai hiện vật cùng một số tư trang, giao cho hoàng hậu Nam Phương và cựu thái tử Bảo Long cất giữ.
Năm 1963, hoàng hậu Nam Phương qua đời, hiện vật được Bảo Long ký gửi trong một két sắt tại Union des Banques Européennes (Ngân hàng châu Âu). Trong tập hồi ký Le Dragon d’Annam(Con rồng An Nam, xuất bản năm 1980), bà Mộng Điệp cho biết cựu hoàng muốn dùng ấn đóng vào sách để làm tăng giá trị tác phẩm. Tuy nhiên, Bảo Long không cho mượn.
Bảo Đại kiện con trai ra tòa để đòi lại hiện vật. Tòa án tại Pháp sau đó tuyên Bảo Đại được sở hữu kim ấn, Bảo Long giữ bảo kiếm. Năm 1982, cựu hoàng kết hôn với bà Monique Baudot, người Pháp. Trước khi qua đời vào tháng 8/1997, ông để lại di chúc, trao quyền thừa kế toàn bộ tài sản của ông ở Pháp, bao gồm cả ấn cho vợ. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, năm ngoái những người thừa kế tài sản của bà mang đi đấu giá.
Hà Thu