Việt Nam đang phải vật lộn để lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ trước kia, trong khi đó, các quốc gia như Indonesia hay Philippines lại ngày càng được coi là điểm hấp dẫn đầu tư.
Riêng với các nhà đầu tư Mỹ, Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng mà họ nhắm tới. Đó là kết luận được đưa ra sau khảo sát Triển vọng kinh doanh châu Á 2012/2013, thực hiện bởi Phòng Thương mại Mỹ ở Singapore và Bộ Thương mại Mỹ, đăng tải trên Wall Street Journal tuần này.
Khảo sát được thực hiện trên hơn 350 lãnh đạo các công ty Mỹ đang hoạt động tại châu Á. Thống kê cho thấy ngày càng có nhiều nhân viên Mỹ muốn được cử đến Đông Nam Á làm việc. Kết luận này gây ngạc nhiên cho nhiều nhà phân tích vì từ lâu họ vẫn cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ mới là những điểm đến hấp dẫn.
Bên cạnh đó, có tới 57% công ty được hỏi có dự định mở rộng sản xuất sang Việt Nam, con số này tại Thái Lan chỉ là 11% và Indonesia là 6%.
Dù kinh tế đang khó khăn, Việt Nam vẫn thu hút đầu tư từ Mỹ. Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn |
Với các công ty Mỹ từng hoạt động tại Việt Nam, 82% dự đoán lợi nhuận có thể tăng trong năm tới và hơn một nửa lên kế hoạch thuê thêm nhân công. Đó được coi là những dữ liệu tích cực đối với một quốc gia có GDP tăng trưởng ì ạch, nội tệ đang mất giá và tỷ lệ nợ xấu ngân hàng cao như Việt Nam. Các nhà phân tích cũng nhận định Việt Nam cần theo đuổi nhiều chính sách cải tổ mạnh mẽ hơn nữa, bao gồm tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, nếu muốn thu hút thêm các nguồn đầu tư nước ngoài mới.
Cuộc khảo sát cho thấy rất nhiều doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam vẫn còn nghi ngờ về các nỗ lực chống tham nhũng ở đây. 77% người được hỏi tiết lộ họ luôn bận tâm về vấn đề hối lộ và lại quả. Con số này chỉ thấp hơn Campuchia với 81% và Indonesia với 87%.
Tuy nhiên, thị trường gần 88 triệu dân và chi phí lao động thấp vẫn khiến Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn với nhiều công ty. Một số nhà kinh tế còn khẳng định việc từng bước thắt chặt tín dụng và kiềm chế lạm phát có thể giúp Việt Nam phục hồi trong vài năm tới, nếu kinh tế thế giới ổn định.
Trong khi đó, Myanmar - thị trường tiềm năng mới nổi của Đông Nam Á chỉ được 52% công ty đồng ý đầu tư. Nhiều doanh nghiệp Mỹ vẫn tỏ ra lo ngại khi bước chân vào đây do không hiểu biết nhiều về thị trường Myanmar. Khoảng ba phần tư số công ty được hỏi vẫn bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định bãi bỏ lệnh cấm đầu tư vào Myanmar của chính phủ Mỹ.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy các nhà đầu tư đang ngày càng coi Đông Nam Á là khu vực cần ưu tiên khi có tới 21% dự định rút vốn từ Trung Quốc để chuyển sang khu vực này. Tỷ lệ này năm ngoái chỉ là 15%.
Hà Thu