Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), lượng FDI thực tế được đưa vào nền kinh tế đã tăng từ mức 6,25 tỷ USD hồi cuối tháng 7 lên 7,28 tỷ USD, tính đến hết ngày 20/8. Mức giải ngân này cũng gần tương đương (bằng 99,7%) cùng kỳ năm ngoái. Mức giải ngân hơn một tỷ USD trong vòng một tháng được đánh giá là tương đối cao so với mặt bằng từ đầu năm đến nay nhưng không quá bất ngờ do quý III vẫn thường là giai đoạn cao điểm của dòng vốn FDI. Trong 2 tháng 7, 8/2011, lượng giải ngân cũng đều đạt xấp xỉ một tỷ USD.
Trong khi dòng tiền đổ vào tương đối dồi dào thì Việt Nam lại đang gặp phải khá nhiều khó khăn trong việc thu hút vốn mới. Tính đến cuối tháng 8, cả nước mới có 672 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (bao gồm cả cấp mới và tăng vốn) với tổng giá trị 5,52 tỷ USD, tức là chỉ tăng hơn 300 triệu USD so với tháng trước. Lượng đăng ký 8 tháng cũng chỉ bằng 56,5% so với cùng kỳ 2011 - năm mà Việt Nam cũng phải chật vật để tìm vốn FDI.
Hai lĩnh vực được nhà đầu tư ngoại quan tâm nhất tại Việt Nam hiện nay là chế biến - chế tạo và bất động sản chỉ lần lượt nhận thêm 240 triệu USD và 110 triệu USD vốn cam kết trong tháng 8. Trong khi đó, không xuất hiện thêm khoản đầu tư lớn nào ở các lĩnh vực khác. Những dự án “đình đám” nhất được ghi nhận vẫn là Khu đô thị Tokyu Bình Dương (1,2 tỷ USD), Dự án mở rộng sản xuất của Công ty Wintek Bắc Giang (870 triệu USD), Nhà máy lốp xe Bridgestone Hải Phòng (575 triệu USD)… vốn được cấp phép từ đầu năm.
Nhật Minh