Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), con số này chủ yếu được đóng góp từ dự án khu đô thị Tokyu do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương với tổng vốn đăng ký khoảng 1,2 tỷ USD. Đây là dự án được cấp phép hồi tháng 3 và đang trong quá trình triển khai.
Tính chung từ đầu năm, tổng vốn FDI vào bất động sản đạt 1,6 tỷ USD, gần gấp đôi so với con số hơn 845 triệu USD của cả năm 2011. So về tỷ trọng, bất động sản hiện cũng chiếm khoảng 20% tổng lượng FDI vào Việt Nam, cao hơn nhiều so với con số gần 6% của cả năm 2011.
Chế biến - chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều FDI nhất sau 7 tháng. Ảnh: AP |
Một dự án lớn khác, tuy không thuộc lĩnh vực bất động sản nhưng cũng đáng chú ý về diện tích đất sử dụng là nhà máy của hãng lốp Bridgestone tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng). Với số vốn gần 575 triệu USD, nhà máy này dự kiến rộng khoảng 102 ha, tương đương một phần sáu diện tích sản xuất của Khu công nghiệp Đình Vũ.
Ngoại trừ trường hợp của Tokyu, so về quy mô vốn, nhìn chung các dự án bất động sản vẫn cao hơn nhiều so với dự án trong lĩnh vực khác. Thống kê cho thấy trong tổng số 584 dự án cấp mới kể từ đầu năm, có 111 trường hợp vốn đầu tư dưới 100.000 USD. Trong khi đó, chỉ có 55 trường hợp có vốn trên 10 triệu USD.
Nhìn chung, lĩnh vực chế biến chế tạo vẫn nhận được nhiều sự quan tâm nhất của nhà đầu tư nước ngoài với 258 dự án, đạt tổng vốn hơn 5,5 tỷ USD. Tiếp theo là bất động sản, bán buôn - bán lẻ, vận tải - kho bãi… Tính chung sau 7 tháng, tổng số vốn FDI đăng ký đạt 5,2 tỷ USD, tương đương 56% cùng kỳ. Lượng giải ngân thực tế, tuy vậy đạt hơn 6,25 tỷ USD, ngang ngửa với 7 tháng đầu năm 2011.
Nhật Minh