Tại một số địa phương ở ngoại thành Hà Nội như huyện Đan Phượng, Sơn Tây, lãi suất đơn cao nhất cho các khoản vay ngắn hạn đã lên tới 10.000 đồng một triệu mỗi ngày, tương đương với 30% một tháng và 360% một năm. Nhưng phổ biến hơn cả vẫn là mức 5.000-6.000 đồng một triệu một ngày, tương đương với khoảng trên dưới 200% một năm (khoảng gần 20% một tháng), gần gấp đôi so với hồi giữa năm.
Cuối năm ngoái, lãi suất chỉ 0,15% một ngày, tương ứng 4,5% một tháng, 54% một năm. Nhưng vì có nhiều người vay mà không trả, nên các chủ cho vay đều tăng lãi suất lên cao. Ngoài Hạ Mỗ, các xã khác thuộc huyện Đan Phượng như Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hồng Hà... cũng có nhiều đối tượng cho vay nặng lãi. Cá biệt, tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, những ngày gần đây có hiện tượng cho vay với lãi suất 30-40% một tháng (360-480% một năm) mà thủ tục khá đơn giản: Chỉ cần chứng minh nhân dân và có địa chỉ nhà, đất.
Khó tiếp cận vốn ngân hàng là một trong những nguyên nhân khiến người dân tìm đến tín dụng đen. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Anh Quang ở xã Hạ Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội) là đầu mối cho vay kể, cuối năm, nhu cầu trả nợ cùng với các hoạt động vay mượn, tệ nạn cờ bạc tăng cao khiến cho lãi suất nhanh chóng đội lên.
Ngoài ra, các ngân hàng ở đây đang hạn chế cho vay trong khi nhu cầu về tiền của người dân vẫn ngày càng lớn cũng là nhân tố đẩy lãi suất lên cao. Trong khi đó, giá đất ở ngoại thành đang lên, nhưng người vay nóng để mua đất cũng không quá băn khoăn về khả năng trả nợ. "Nếu không có tiền mặt, họ sẵn sàng bán đất để trả lãi, hoặc để cho 'trùm' đến siết nợ bằng đất cát, nhà cửa nên hiện tượng vay mượn diễn ra tràn lan", anh Quang cho biết.
Việc các "trùm" cho vay huy động lẫn nhau cũng khiến cho độ vênh lãi suất ngày càng lớn. Có những món tiền lúc đầu lãi chỉ khoảng 3.000 đồng một triệu một ngày, nhưng qua tay 2-3 người khác, mức lãi bị đội lên 5.000-7.000 đồng, thậm chí cả 10.000 đồng. Thêm vào đó, một số trường hợp vay xong không có khả năng chi trả, nên người có tiền cũng đẩy lãi suất lên cao để lọc ra những khách hàng thật sự cần tiền.
Đối tượng của tín dụng đen ở vùng ngoại ô, nông thôn thường chia làm 2 nhóm, hoặc những người cần tiền ngay để đầu tư, làm ăn nhưng không có nguồn vay, hoặc những con nợ, con bạc muốn vay để trả nợ, đánh bạc. Với nhóm khách hàng thứ nhất, nguyên nhân khiến họ tìm đến vay tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ" là do không tiếp cận được các nguồn vốn khác, trong đó có ngân hàng.
Với nhóm đối tượng thứ hai, họ có thể đi vay với lãi suất cao để chi trả các khoản nợ nần, cờ bạc... phát sinh trước đó, hoặc dùng tiền để đánh bạc. Nếu cho nhóm này vay, người có tiền sẽ gặp rủi ro cao, nên thường các "trùm" áp dụng lãi suất thấp nhất cũng đã 5.000 đồng một triệu một ngày (15% một tháng, 180% một năm), cao có khi gấp đôi: 30% một tháng, 360% một năm để kìm chân khách.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại Hà Nội bày tỏ, khách hàng ưu tiên của đơn vị này trước đây thường là những người kinh doanh bất động sản. Nếu cho vay cá nhân cũng phải là người có thu nhập, tài sản cầm cố đủ để chi trả các khoản vay đúng hạn và đủ kiên nhẫn chờ thủ tục của ngân hàng vì hoạt động thẩm định tài sản mất thời gian. Ngoài ra, yếu tố quan trọng nhất là người đi vay phải chứng minh được mục đích sử dụng nguồn vốn. "Ngân hàng cũng làm kinh doanh, nên phải nhìn thấy khách hàng tiềm năng của mình chứ không cho vay tràn lan được”, ông nói.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, ông Trần Quốc Hùng cho biết, hoạt động vay nợ diễn ra giữa các cá nhân với nhau, không qua tổ chức nào nên rất khó để xử lý, trừ phi những đối tượng này có đơn trình báo đến cơ quan chức năng.
Mặt khác, những vấn đề giữa người đi vay và cho vay thuộc tranh chấp dân sự, nên cũng khó để cơ quan thanh tra ngân hàng có thể có chế tài can thiệp vì nó diễn ra hàng ngày trên thị trường. Còn nếu xét đây là quan hệ pháp luật, thì cơ quan quản lý không phải là thanh tra ngân hàng. Ông Hùng cũng đưa ra lời khuyên với những người đi vay, nên tìm đến ngân hàng vì tại đây, hoạt động tín dụng đảm bảo về pháp lý.
Về việc người dân khó tiếp cận vốn vay, ông Hùng cho biết, trong bối cảnh này, các ngân hàng cũng có thể kén khách hàng hơn, song không vì thế mà mọi cửa đối với người dân đều bị "bịt". "Nếu chứng minh được mục đích sử dụng và minh bạch hồ sơ, người dân vẫn có thể tiếp cận được vốn ngân hàng", ông Hùng nói.
Tuệ Minh