Chia sẻ với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Bên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam cho biết, doanh nghiệp ông vốn là đơn vị nằm trong diện ưu tiên được vay vốn. Hơn nữa, đơn vị này lại là khách hàng lớn và thân thiết với nhiều ngân hàng nên việc tiếp cận nguồn vốn vay không quá khó khăn. Tuy nhiên, mức lãi suất cũng chỉ giảm nhẹ so với trước đây. "Hiện tại, mức lãi suất mà công ty đang vay tại ngân hàng là khoảng 17-18% một năm, chỉ giảm khoảng 0,5% so với trước", ông Bên cho biết.
Nhưng theo ông này, đó là với các doanh nghiệp lớn, uy tín, còn những công ty nhỏ khác, do không có nhiều mối quen biết và những phương án sản xuất hiệu quả thì rất khó tiếp cận vốn ngân hàng, hoặc phải vay với lãi suất cao.
Lãi suất cho vay vẫn trên 20% một năm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Thừa nhận thực tế này, giám đốc một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại khu công nghiệp Tân Tạo TP HCM cho biết, đơn vị ông hiện vẫn vay nhà băng với lãi suất 22,2% một năm cho khoản vay ngắn hạn dưới một năm. "Tuy nhiên, khoản vay này sắp đáo hạn, ngân hàng có hứa sẽ cho doanh nghiệp tôi vay lại nhưng mức lãi suất vẫn cao, quanh 22% mỗi năm", vị giám đốc này nói.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác trên địa bàn TP HCM cũng cho biết vẫn đang vay các nhà băng với lãi suất 20-22% như trước đây chứ chưa giảm.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần xác nhận, nhà băng ông rất khó cho vay với mặt bằng lãi suất 17-19% mỗi năm một cách đại trà. Bởi thanh khoản tiền đồng của ngân hàng hiện có dồi dào hơn trước nhưng chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn. "Vì vậy, chúng tôi sẽ cân nhắc giảm nhẹ lãi suất với các khoản vay có hiệu quả, còn những trường hợp khác phải tùy tình hình", ông nói.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng khác trên đường Lý Thường Kiệt, Tân Bình, TP HCM thừa nhận, hiện nay chỉ khoảng 7% doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn có lãi suất 17-19% một năm tại nhà băng này.
"Từ khi áp dụng nghiêm trần lãi suất huy động ở 14% một năm, ngân hàng tôi đã bị rút đến 3.000 tỷ đồng. Do đó, chúng tôi không có nhiều vốn để có thể cho vay ra với mức 17-19% được", ông này nói.
Đại diện Eximbank cũng cho biết, trong vòng một tháng trở lại đây, lượng vốn ngân hàng huy động giảm khoảng 2% so với tháng trước. Tính từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua, lượng tiền tiết kiệm gửi vào nhà băng đã giảm tới gần 4.000 tỷ đồng. Thực tế này cũng xảy ra với Sacombank khi lượng vốn huy động trong tháng 9 của nhà băng giảm nhẹ so với tháng 8. Số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng phản ánh rõ điều này. Trong tháng 9, tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng giảm 1,07% so với tháng 8, tín dụng cũng giảm 0,9%.
Một lý do khác cũng được các ngân hàng đem ra để giải thích đó là room tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng đã cận kề với mức 20% một năm do Ngân hàng Nhà nước quy định nên không thể đẩy mạnh đầu ra.
Riêng với những ngân hàng còn room tín dụng thì cho rằng, không phải nhà băng không muốn phát triển tín dụng mà do khách hàng đủ điều kiện vay thời điểm này không nhiều. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ hàng hóa chậm, hàng tồn kho lớn buộc các ngân hàng phải tính toán kỹ về điều kiện cho vay đối với khách hàng.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhìn nhận, rõ ràng việc can thiệp của Ngân hàng Nhà nước đối với mặt bằng lãi suất là yếu tố rất quan trọng để mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm nhiệt thêm. Tuy nhiên, do giá vốn bình quân của các ngân hàng vẫn cao hơn 14% mỗi năm, bởi vẫn còn những hợp đồng huy động cũ với lãi suất cao.
"Do vậy, các ngân hàng vẫn cần thời gian để chờ các khoản tiền gửi đó đáo hạn rồi chuyển sang mức lãi suất khác. Giảm lãi suất cho vay cần một sự điều chỉnh dần dần và có một độ trễ về mặt thời gian. Ít nhất phải đến cuối năm thì mới giảm mạnh", vị này nói.
Ông Sơn cũng cho rằng, ngoài sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, trong 3 tháng còn lại của năm, mặt bằng lãi suất còn phụ thuộc vào diễn biến của tình hình kinh tế thế giới và lạm phát trong nước.
"Rất khó có thể dự đoán tình hình kinh tế thế giới sẽ tác động ra sao đến Việt Nam. Còn nếu CPI tiếp tục được kiểm soát giảm như 2 tháng gần đây, thì đó sẽ là yếu tố tác động tích cực đến giảm lãi suất, nhưng không thể giảm mạnh và nhanh như kỳ vọng của doanh nghiệp", vị này nói.
Lệ Chi