Bình Thuận đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu thanh long
Tỉnh đưa ra nhiều chính sách nhằm đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, đạt tiêu chuẩn GAP để mở rộng cánh cửa xuất ngoại cho thanh long.
Bình Thuận hiện có trên 27.500 ha thanh long trên tổng số 400.000 ha đất nông nghiệp, gấp 4 lần diện tích trồng mười năm về trước (7.000 ha). Đây cũng là vựa thanh long lớn nhất cả nước, chiếm hơn 86% tổng sản lượng thanh long của các tỉnh thành.
Tỉnh cũng có 9.500 ha thanh long được chứng nhận VietGap, 262 ha chứng nhận Global Gap. Trên địa bàn, 54 doanh nghiệp và cơ sở thu mua, kinh doanh thanh long đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sơ chế, đóng gói xuất khẩu.
Từ cây hoang dã, thanh long đã trở thành hàng hóa thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn Bình Thuận nửa thế kỷ qua. Ảnh: Bizmedia |
Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, tổng sản lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch hàng năm của Bình Thuận chỉ đạt 11.000-13.000 tấn (chiếm 2-3% tổng sản lượng). Trong đó, chủ lực vẫn là thị trường châu Á (70%), châu Âu (20%), châu Mỹ (6%) và châu Đại dương (4%).
15% thanh long được tiêu thụ nội địa. 82-83% sản lượng còn lại xuất theo con đường "tiểu ngạch" sang thị trường Trung Quốc. Thủ tục giao hàng và thanh toán dễ dàng, phù hợp cho nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, song giá bán bấp bênh.
Trước thực tế này, tỉnh Bình Thuận đã đề ra hướng đi mới trong năm 2018 là nâng cao giá trị cho cây thanh long. Nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch gồm tiếp tục xúc tiến, đưa thanh long Bình Thuận vươn ra các thị trường xa hơn ở miền Bắc và Trung; tăng hàm lượng khoa học công nghệ cho sản phẩm và tiếp tục sản xuất sạch để mở rộng cánh cửa xuất khẩu chính ngạch.
Xác định thanh long là mũi nhọn kinh tế nông nghiệp, ngày 9/9/2016, kế hoạch số 3271/KH-UBND đã được UBND tỉnh Bình Thuận ban hành nhằm đẩy mạnh hoạt động mở rộng thị trường cho trái thanh long giai đoạn 2016-2020.
|
Sản xuất thanh long sấy khô là một trong những hướng mở rộng đầu ra cho nông sản Bình Thuận. Ảnh: Bizmedia |
Để xuất khẩu chính ngạch, thanh long phải tuân thủ quy trình sản xuất sạch, truy xuất nguồn gốc, trải qua chiếu xạ, kiểm tra nhiều tiêu chí về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của đối tác. Theo lãnh đạo tỉnh, chi phí cho trồng trọt và kiểm tra chất lượng, vận chuyển xuất khẩu khá cao. Vì vậy, để mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, tỉnh sẽ liên kết các hộ nông dân thành hợp tác xã, tổ sản xuất và hợp tác với doanh nghiệp.
Trong kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2018, Sở Công thương Bình Thuận cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, người trồng tham gia hội chợ triển lãm để quảng bá, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và các quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ trọng điểm của thanh long Bình Thuận trong những năm tới. Do vậy, ngoài duy trì hình thức buôn bán biên mậu với Trung Quốc như hiện nay, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ nỗ lực để tăng xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển vào các tỉnh thành phía Đông như Thượng Hải, Thiên Tân, Bắc Kinh, Hồ Bắc…
Mô hình trồng thanh long tại Bình Thuận
Mỗi năm, Bình Thuận thu hoạch hơn 500.000 tấn thanh long, chủ yếu tại các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết. Từ cây hoang dã, thanh long qua nửa thế kỷ đã trở thành hàng hóa cải thiện bộ mặt nông thôn Bình Thuận. Cây sinh trưởng tốt trên điều kiện khô hạn nơi đây, tuổi thọ có thể đến 20 năm.
Thanh long được xếp vào nhóm 12 cây ăn quả chủ lực, một trong 9 loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường thế giới. Trái không chỉ giàu vitamin C, B1, B2, B3 mà còn nhiều khoáng chất, có thể làm nước uống giải khát, trái cây sấy dẻo, sấy khô.
Năm 2008, chuyến bay đầu tiên của thanh long Bình Thuận mang theo 2 container của Công ty Cổ phần Thủy hải sản Sơn Sơn và Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu đã nhập cảng Mỹ. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự đón nhận của thị trường nước ngoài với thanh long Việt.
Thủy Dư