Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/4 khẳng định sẽ ra quyết định về biện pháp đáp trả với Syria, nước bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta khiến 70 người chết, trong 24-48 giờ tới. Giới phân tích nhận định động thái này có nguy cơ gây căng thẳng vượt tầm kiểm soát, thậm chí khơi mào xung đột giữa Washington với Moscow, theo National Interest.
Các quan sát viên cho rằng nếu không kích Syria, Mỹ sẽ lựa chọn các mục tiêu quan trọng của Damascus, trong đó có sân bay Hmeymim, được Nhà Trắng xác định là nơi máy bay chiến đấu Nga xuất kích để tiến hành chiến dịch ném bom tại thủ đô Damascus và Đông Ghouta. Tuy nhiên, đây cũng là vị trí chiến lược có sự hiện diện rất lớn của khí tài và binh sĩ Nga.
Trong trường hợp Mỹ tấn công Hmeymim hay các căn cứ quan trọng của Syria, xác suất tên lửa rơi vào binh sĩ Nga là rất lớn, nhất là khi Washington nhiều khả năng sẽ không báo trước với Nga về đòn không kích.
Nếu binh sĩ Nga thương vong vì tên lửa Mỹ hoặc đồng minh, Moscow chắc chắn sẽ đáp trả bằng vũ lực. Bộ Ngoại giao Nga hôm 9/4 cảnh báo mọi hành động can thiệp quân sự vào Syria dựa trên cáo buộc "bịa đặt" sẽ phải hứng chịu "hậu quả thảm khốc". Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov từng nhấn mạnh đòn trả đũa của Nga không nhất thiết phải hạn chế ở Syria, mà sẽ nhằm vào các phương tiện phóng tên lửa và căn cứ của chúng.
"Nếu lực lượng Nga bị tấn công, đây sẽ là hành động tuyên chiến", học giả Vasily Kashin thuộc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và châu Âu của Trường kinh tế Cao cấp Moscow khẳng định. Trong kịch bản xấu nhất, Nga có thể tấn công các căn cứ Mỹ và đồng minh ở cả khu vực Trung Đông và châu Âu.
Chuyên gia quân sự Dave Majumdar nhận định Nga có thể triển khai vũ khí tầm xa có độ chính xác cao như tổ hợp tên lửa hành trình Kalibr và Kh-101 trong đòn đánh trả đũa này.
Năm 2015, quân đội Nga gây chấn động thế giới khi phóng đồng loạt 26 tên lửa hành trình Kalibr từ biển Caspi vào mục tiêu phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cách đó 1.500 km.
Chiến hạm Nga phóng tên lửa Kalibr diệt phiến quân IS
Tên lửa 3M14 Kalibr của hải quân Nga có tầm bắn 2.000 đến 2.500 km, có thể tấn công nhiều mục tiêu quan trọng của Mỹ ở Trung Đông và châu Âu.
Còn Kh-101 là vũ khí chủ đạo của không quân chiến lược Nga trong chiến dịch chống IS tại Syria, trang bị cho các oanh tạc cơ Tu-95 và Tu-160. Mẫu Kh-101 cơ bản có tầm bắn khoảng 4.500 km, trong khi một số chuyên gia quân sự ước tính nó có thể bay tới 10.000 km trong điều kiện thích hợp. Tên lửa được nạp sẵn bản đồ điện tử để bay bám địa hình, cũng như hệ thống dẫn đường quán tính và định vị toàn cầu GLONASS để hiệu chỉnh đường bay.
Điều này cho phép Kh-101 đánh trúng mục tiêu cố định với độ chính xác 6-10 m. Nếu được lắp đầu dò quang - điện tử và ảnh nhiệt, nó có thể tấn công cả những mục tiêu cơ động như xe ôtô. Bên cạnh đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đã cung cấp khả năng tái lập trình mục tiêu cho Kh-101 trong khi bay, giúp phi công cập nhật mục tiêu mới ngay cả khi quả đạn đã phóng đi.
Việc đối mặt với nguy cơ bị Nga trả đũa sẽ khiến các nước đồng minh của Mỹ lo ngại, đặc biệt là những quốc gia cho phép quân đội Mỹ đồn trú. Ngoài ra, việc khơi mào xung đột quân sự với cường quốc hạt nhân như Moscow rất có thể sẽ khiến tình hình leo thang vượt tầm kiểm soát, dẫn tới một cuộc chiến tổng lực.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Moscow đang ở mức cao, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể coi đòn tấn công của Mỹ là cơ hội tạo thế đối đầu, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán. "Nga muốn Mỹ rút khỏi Syria càng sớm càng tốt. Nếu hai bên nổ ra xung đột và ông Trump phải nhượng bộ, ông Putin sẽ ghi điểm gấp đôi", chuyên gia phân tích chính trị Vladimir Frolov nhấn mạnh.
Duy Sơn