Cuộc không kích chớp nhoáng của Mỹ, Anh, Pháp vào Syria
Khi Mỹ, Anh và Pháp phát động tấn công quân sự trả đũa cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học của Syria hôm 14/4, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào kịch bản đối đầu giữa tên lửa liên quân và hệ thống phòng không S-400 Nga ở Syria.
Tuy nhiên, S-400 Nga đã không khai hỏa trong vụ không kích này, dù radar của chúng hoạt động rất tích cực để quét toàn bộ chiến trường khi tên lửa liên quân trút xuống ba mục tiêu ở Syria, theo Defense News.
"Lưới phòng không Nga ở Syria hoạt động rất mạnh. Chúng đã quét mục tiêu nhưng không tấn công", tướng Kenneth McKenzie, giám đốc Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, thừa nhận.
Giới phân tích cho rằng lý do S-400 Nga không khai hỏa vẫn chưa rõ ràng. Việc Lầu Năm Góc thông báo cho quân đội Nga qua đường dây nóng trước cuộc tấn công, cũng như cách tên lửa liên quân né các ô phòng không của Nga Syria dường như là nguyên nhân khiến Moskva án binh bất động.
Sau cuộc tấn công, chiến đấu cơ liên quân trở về căn cứ an toàn, các tàu chiến vẫn ở trên biển mà không vấp phải đòn đáp trả từ Nga hay Syria. Điều này khiến một số chuyên gia quân sự cho rằng cuộc không kích là đòn đánh thắng lợi của Mỹ và đồng minh, khi có thể tấn công mục tiêu được bảo vệ chặt chẽ mà không bị tổn thất.
Dù vậy, chuyên gia Tom Karako thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ nhận định hệ thống S-400 Nga không tham chiến không đồng nghĩa với việc nó "bó tay" trước tên lửa liên quân. "Mỹ không nên quá tự tin về khả năng xâm nhập khu vực được S-400 bảo vệ. Chúng ta vẫn không nắm được cơ chế phòng thủ thụ động của hệ thống này", chuyên gia Karako khẳng định.
Nhà phân tích Anton Lavrov cho rằng nếu Nga quyết định khai hỏa, vài tổ hợp S-400 với khoảng vài chục quả đạn ở Syria khó tạo ra sự khác biệt trong trận đánh. Tên lửa S-400 không được tối ưu cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa bay bám địa hình, khiến chúng không thể tiêu diệt toàn bộ 105 tên lửa hành trình do liên quân Mỹ phóng ra.
Bởi vậy, quân đội Nga dường như đã lựa chọn giải pháp không khai hỏa để che giấu khả năng tác chiến thực sự của S-400, khiến Mỹ và đồng minh không thu thập được các dữ liệu quý giá về năng lực của tổ hợp phòng không tối tân này.
Không thu được dữ liệu về tính năng thực sự của S-400, Mỹ sẽ không có bằng chứng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thương vụ mua tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD, chuyên gia Karako nhận định.
Trong khi phương Tây không thăm dò được hệ thống S-400, Nga nhiều khả năng đã thu được nhiều thông tin quan trọng của đối phương trong cuộc tấn công này. "Do biết trước thông tin về cuộc tấn công, Nga có thể đã chọn cách che giấu năng lực hoặc giữ át chủ bài nhằm đề phòng sau này", Karako nói.
Chuyên gia Lavrov cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời cho quân đội Nga, khi họ có thể theo dõi sát sao đòn tập kích quy mô lớn của tên lửa hành trình NATO trong thực chiến từ đầu đến cuối. Moskva có thể nghiên cứu kỹ về chiến thuật, đội hình bay và tín hiệu radar của các tên lửa hành trình tàng hình như AGM-158 JASSM và Storm Shadow.
Liên quân do Mỹ dẫn đầu đã phóng tổng cộng 66 tên lửa Tomahawk, 19 quả JASSM, cùng 19 tên lửa Storm Shadow và SCALP-EG. Tuy nhiên, một số tên lửa không phát nổ đã được Syria chuyển cho Nga để nghiên cứu.
"Việc nghiên cứu tên lửa JASSM lần đầu được Mỹ đưa vào thực chiến sẽ rất thú vị. Các quả đạn thu được sẽ giúp Nga nghiên cứu cải thiện hệ thống phòng thủ và tác chiến điện tử trong tương lai", ông Viktor Murakhovsky, ủy viên hội đồng tư vấn thuộc Ủy ban Công nghiệp Quốc phòng Nga, nhấn mạnh.
Duy Sơn