Triều Tiên hôm qua tuyên bố ngừng chương trình hạt nhân và cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trở lại nước này, nhằm đổi lại việc Mỹ viện trợ 240.000 tấn lương thực và duy trì sự viện trợ lâu dài.
Không bất ngờ
Một cánh đồng ở Triều Tiên. Ảnh: AP |
Động thái này của Triều Tiên được coi là bất ngờ vì các phái viên của Washington và Bình Nhưỡng rời bàn đàm phán ở Bắc Kinh cuối tháng trước mà không thông báo một kết quả cụ thể nào. Tuy nhiên, tuyên bố ngày hôm qua của Bình Nhưỡng lại không quá bất ngờ nếu nhìn lại toàn bộ diễn biến cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong gần hai thập kỷ qua.
Đây không phải là lần đầu tiên Bình Nhưỡng chịu "nhún mình" để đổi lại những sự viện trợ từ bên ngoài. Trong quá khứ, Triều Tiên đã ít nhất 3 lần chấp nhận ngừng các hoạt động hạt nhân, nhưng rồi sau đó lại nhanh chóng coi các thỏa thuận liên quan tới việc này là "vô hiệu". Bình Nhưỡng luôn viện dẫn thái độ của Mỹ hoặc phương Tây trong vấn đề hạt nhân của nước này để giải thích cho những quyết định của mình.
Đây cũng không phải lần đầu tiên nhu cầu lương thực của Triều Tiên được đặt lên hàng đầu. Quốc gia bí ẩn nhất thế giới này vốn luôn ở trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và dai dẳng kể từ sau nạn đói những năm 1990. Với chính sách tiên quân (songun), Triều Tiên đề cao việc phát triển quân sự và xây dựng được quân đội 1,2 triệu người rất hùng hậu. Tuy nhiên, những thành tựu quân sự và quốc phòng đương nhiên không thể khỏa lấp được thực tế thiếu thốn lương thực của Triều Tiên.
Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, nạn đói kéo dài và dai dẳng đã cướp đi gần hai triệu sinh mạng ở Triều Tiên. Là một nước có nền kinh tế khó khăn, Triều Tiên lại phải chịu những trận thiên tai như hạn hán hay lũ lụt, gây hậu quả nghiêm trọng. Sản xuất nông nghiệp ở quốc gia này không đủ sức nuôi sống 23 triệu người dân. Chương trình Lương thực Thế giới (WPF) cho hay một phần ba số trẻ em ở Triều Tiên bị suy dinh dưỡng nặng.
Trong những năm qua, Hàn Quốc liên tục viện trợ lương thực cho Triều Tiên. Việc này chỉ bị đình lại sau khi căng thẳng giữa hai nước gia tăng từ vụ việc tàu Cheonan của Hàn Quốc bị chìm hồi tháng 3/2010, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Chính sự cắt giảm viện trợ lương thực này cùng thực tế chỉ có cửa ngõ giao thương với bên ngoài duy nhất dọc biên giới với Trung Quốc khiến khủng hoảng lương thực ở Triều Tiên thêm phần trầm trọng.
Trong khi căng thẳng Hàn Quốc - Triều Tiên chưa nguội bớt, việc được Mỹ viện trợ lương thực có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Bình Nhưỡng. Bởi vậy, việc Triều Tiên chấp nhận ngừng chương trình hạt nhân để đổi lấy lương thực là hoàn toàn hợp lý và không bất ngờ.
Tính thời điểm
Đại tướng Kim Jong-un làm động tác thử ngắm bắn khi đi thăm Nhà máy Đạn Thế thao ở Bình Nhưỡng hôm 24/2. Ảnh: AFP |
Triều Tiên rõ ràng đã tính toán kỹ lưỡng về thời điểm đưa ra tuyên bố ngừng hạt nhân để đổi lấy lương thực.
Trước khi tuyên bố này được đưa ra, Bình Nhưỡng vẫn luôn giữ thái độ cứng rắn. Ngày 25/2, đáp lại những cuộc tập trận mà Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành, Triều Tiên cảnh báo rằng nước này có các phương tiện chiến tranh mạnh mẽ hơn kho hạt nhân của Mỹ, đồng thời đe dọa phát động một cuộc thánh chiến để quét sạch chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.
Tuy nhiên, tuyên bố hôm qua của Triều Tiên lại có thể là một động thái xoa dịu mối quan hệ với Lee Myung-bak nói riêng, và Hàn Quốc nói chung. Ngày 11/4 tới, Hàn Quốc sẽ có cuộc bầu cử quốc hội. Đảng của Tổng thống Lee bị cho là có khả năng thua đảng đối lập trung tả, nhưng dấu hiệu hòa bình từ tuyên bố ngừng chương trình hạt nhân của Triều Tiên có thể mang lại điều tốt lành cho người đứng đầu Hàn Quốc. Đó là một món quà mà ông Lee khó có thể hình dung tới, BBC nhận định.
Tuyên bố của Triều Tiên, hay cụ thể hơn là của cá nhân đại tướng Kim Jong-un, có lẽ cũng là một cách để nhắc Trung Quốc, đồng minh gần gũi và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, rằng nhà lãnh đạo trẻ tuổi vẫn có những lựa chọn khác. Hôm 28/2, một tàu hải quân Mỹ đã cập cảng Nampo của Triều Tiên, với các thiết bị dùng cho việc cùng tìm kiếm hài cốt của những binh sĩ Mỹ mất tích trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Trung Quốc sẽ phải cân nhắc trước mối hợp tác theo kiểu này giữa quân đội Mỹ và Triều Tiên.
Với riêng đại tướng Kim Jong-un, việc góp phần giảm nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực ngay trong năm đầu tiên nắm quyền lãnh đạo đất nước sẽ giúp ông xây dựng hình ảnh, và là tiền đề để thực hiện những chính sách khác trong tương lai.
Triều Tiên lấy 'bổn cũ soạn lại'?
Công trường xây dựng lò phản ứng nước nhẹ tại Kumho, thuộc vùng duyên hải đông bắc của Triều Tiên. Ảnh: AFP |
Những người theo thuyết nghi ngờ cho rằng sự "nhún mình" của Triều Tiên là một phần trong nỗ lực đạt được mục tiêu trở thành quốc gia hùng mạnh và phồn thịnh trong năm 2012, năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành.
Đấy là lý do vì sao Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho hay Mỹ sẽ dõi theo và đánh giá những hành động của các lãnh đạo Triều Tiên, một biểu hiện cho thấy chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ không dễ bị kéo vào một vũ điệu "đàm phán phi hạt nhân hóa" giống như thời cựu tổng thống George W. Bush còn tại vị. Tổng thống Obama cam kết sẽ có "sự kiên nhẫn chiến lược" đối với Triều Tiên.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng có rất ít cơ sở đủ chắc chắn để tin rằng những cuộc đàm phán sau tuyên bố ngày hôm qua của Triều Tiên sẽ mang lại những khác biệt lớn so với trước đây. Lý do chỉ đơn giản là vì Bình Nhưỡng không có động lực rõ ràng nào trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân, vốn là con át chủ bài trong các cuộc đàm phán với Mỹ.
Bắc Kinh hy vọng rằng đại tướng Kim Jong-un, con trai út của cố chủ tịch Kim Jong-il và là người kế tục mọi vị trí lãnh đạo cao nhất ở Triều Tiên, sẽ tiến hành những cải cách và mở cửa nền kinh tế "theo kiểu Trung Quốc". Tuy nhiên, các nhà phân tích ở Washington nhìn nhận tuyên bố ngày hôm qua của Triều Tiên không phải sự rũ bỏ với đường lối lãnh đạo truyền thống, mà chỉ là một sự tiếp nối với những gì đã tồn tại suốt hơn hai thập kỷ qua.
Về bản chất, thỏa thuận mà Bình Nhưỡng chấp nhận ngày hôm qua chẳng khác gì với thỏa thuận từng rơi vào bế tắc sau các cuộc tiếp xúc Mỹ - Triều Tiên hồi tháng 10/2011 ở Geneva. Có một thực tế mà Mỹ và các nước đều nhận thức được, đó là định hướng cơ bản của Triều Tiên không có sự thay đổi lớn. 240.000 tấn lương thực là khoản viện trợ không nhỏ, nhưng nó chưa đủ lớn để tạo nên một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Năm 1994, Mỹ và Triều Tiên đạt được thỏa thuận về việc Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, Triều Tiên coi thỏa thuận là "vô hiệu" vào năm 2002. Ba năm sau, Bình Nhưỡng tiếp tục đồng ý tạm dừng chương trình hạt nhân, nhưng không lâu sau đó lại tiến hành các vụ phóng tên lửa. Năm 2006, Triều Tiên một lần nữa tuyên bố ngừng chương trình hạt nhân, nhưng lại tiết lộ một nhà máy làm giàu uranium vào cuối năm 2010. Tất cả những lần "xuống nước" của Bình Nhưỡng đều để đổi lại những khoản viện trợ lương thực và nhiên liệu.
Liệu Triều Tiên có đang lấy 'bổn cũ soạn lại'? Bao lâu nữa Bình Nhưỡng sẽ lại tuyên bố vẫn đang theo đuổi tham vọng hạt nhân? Thời gian sẽ cho câu trả lời chính xác nhất.
Nhật Nam