Năm 1993, cuộc khủng hoảng hạt nhân bắt đầu khi Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân mà nước này đã tham gia từ năm 1985. Bình Nhưỡng lý giải cho hành động này là vì sức ép quốc tế trong việc thanh sát chương trình hạt nhân bị cho là để phát triển vũ khí nguyên tử. Triều Tiên bắt đầu tích trữ plutonium, nhưng sau đó lại quyết định không rút khỏi Hiệp ước nói trên nữa. Theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, chỉ có 5 quốc gia được phép sở hữu vũ khí hạt nhân là Pháp, Trung Quốc, Nga, Anh và Mỹ. Các quốc gia này đã có vũ khí hạt nhân trước thời điểm hiệp ước được ký (1/6/1968) và là 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ngày 8/7/1994, chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời ở tuổi 82, để lại vai trò lãnh đạo tối cao tại Triều Tiên cho con trai là ông Kim Jong-il. Bức ảnh trên ghi lại hình ảnh ông Kim Nhật Thành và ông Kim Jong-il cùng tham gia một hoạt động hồi năm 1983. Ảnh: KCNA |
Hơn 3 tháng sau khi ông Kim Nhật Thành qua đời, vào ngày 21/10/1994, Triều Tiên đồng ý ký với Mỹ một thỏa thuận, trong đó Bình Nhưỡng cam kết ngừng và dần đi đến loại bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, để đổi lại việc Washington giúp xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân để phát điện. Ảnh: AP |
Năm 1996, Evan C. Hunziker trở thành công dân Mỹ đầu tiên bị Triều Tiên bắt và giam giữ vì tội gián điệp, kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Hunziker đã bơi trên sông Áp Lục (Yalu) để từ Trung Quốc sang Triều Tiên. Người này được thả sau 3 tháng bị giam giữ. Trong suốt hai thập kỷ qua, những vụ Triều Tiên bắt giữ công dân Mỹ thỉnh thoảng lại xuất hiện, xen kẽ với những vụ việc liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ảnh: AP |
Ngày 31/8/1998, Triều Tiên phóng tên lửa hai tầng Taepodong-1 bay qua bầu trời Nhật Bản để lao xuống Thái Bình Dương. Vụ bắn tên lửa này cho thấy Triều Tiên đã tiến xa trong việc phát triển phạm vi hoạt động của các loại tên lửa. Ảnh: AP |
Sáu năm sau, trong Thông điệp Liên bang đầu tiên vào ngày 29/1/2002, cựu tổng thống Mỹ George W. Bush cáo buộc Triều Tiên cùng với Iran và Iraq "hợp thành một trục ma quỷ". Đáp lại lời tuyên bố cứng rắn của ông Bush, Triều Tiên hồi tháng 10/2002 cho hay đang phát triển một chương trình hạt nhân bí mật, đồng thời coi thỏa thuận đã ký với Mỹ vào năm 1994 là vô hiệu. Ảnh: AP |
Để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vòng đàm phán 6 bên giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga và Trung Quốc đã diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 8/2003. Vòng đàm phán này đã trải qua 6 lần được tổ chức trong những năm tiếp theo. Ảnh: Newsphoto Ngày 19/9/2005, Triều Tiên một lần nữa đồng ý chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân, để đổi lại các khoản viện trợ năng lượng, kinh tế, và an ninh. Các cuộc đàm phán được nối lại nhằm làm cụ thể các chi tiết liên quan, nhưng Bình Nhưỡng lại rút lui và từ chối các cuộc thương lượng tiếp theo. Ngày 7/5/2006, Triều Tiên lại bắn 7 tên lửa xuống biển Nhật Bản, trong đó có một hỏa tiễn Taepodong-2 kiểu mới, vốn được thiết kế để vươn tới những mục tiêu ở xa. Tuy nhiên, tên lửa này đã phát nổ không lâu sau khi được phóng đi. Các nước chỉ trích hành động của Bình Nhưỡng, trong khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết lên án cuộc thử tên lửa này. |
Triều Tiên tuyên bố thực hiện cuộc thử hạt nhân đầu tiên vào ngày 8/10/2006, một hành động bị ngay cả những quốc gia đồng minh lên án. Tuy nhiên, không lâu sau đó, vào ngày 31/10/2006, Bình Nhưỡng lại bất ngờ đồng ý tái khởi động vòng đàm phán 6 bên về giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Hình vẽ trên mô tả vị trí cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên hồi năm 2006, và cả vào năm 2009. Đồ họa: AFP |
Tháng 2/2007, Mỹ và 4 quốc gia khác đạt được một thỏa thuận tạm thời về việc cung cấp cho Triều Tiên 400 triệu USD tiền viện trợ và nhiên liệu, nhằm đổi lại việc Bình Nhưỡng sẽ ngừng hoạt động của các cơ sở hạt nhân và cho phép các thanh sát viên quốc tế quay trở lại quốc gia này. Trong ảnh là phái viên Mỹ, Christopher R. Hill (trái) đang tản bộ ở Bắc Kinh trong một cuộc đàm phán. Ảnh: China Photos |
Ngày 27/6/2008, Triều Tiên phá hủy tháp làm mát trong tổ hợp hạt nhân chủ chốt mang tên Yongbyon. Hành động này được coi là biểu tượng của việc Bình Nhưỡng cam kết với những cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, vào tháng 9/2008, cho rằng chính quyền tổng thống Bush không thực hiện lời hứa loại Triều Tiên khỏi danh sách các quốc gia hỗ trợ cho khủng bố, Bình Nhưỡng quyết định tái khởi động quá trình sản xuất plutonium. Mỹ loại Triều Tiên khỏi danh sách trên vào tháng 10/2008, với hy vọng tiếp tục quá trình đàm phán hạt nhân, sau khi Triều Tiên đồng ý cho một số thanh sát viên vào nước này. Tuy nhiên, 2008 cũng là năm đánh dấu vòng đàm phán 6 bên rơi vào bế tắc và chưa được nối lại từ đó đến nay. Ảnh: AP |
Ngày 25/5/2009, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai, một động thái khiến cả thế giới lo ngại. Đáp lại hành động này, vào ngày 12/6/2009, Liên Hợp Quốc đã thảo ra những lệnh trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng. Năm 2010, quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc trở nên căng thẳng với vụ tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị chìm, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng cho bắn ngư lôi làm chìm tàu Cheonan, nhưng Triều Tiên bác bỏ điều này. Tuy nhiên, tháng 11/2010, Triều Tiên nã pháo lên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc làm 4 người chết. Cũng trong tháng này, Bình Nhưỡng tiết lộ sự tồn tại của một nhà máy mới được sử dụng cho việc làm giàu uranium. Trong năm ngoái, ông Kim Jong-il liên tục có những chuyến thăm Trung Quốc và Nga, được cho là để kêu gọi sự ủng hộ đối với việc chuyển giao quyền lực cho con trai út Kim Jong-un. Ngày 17/12/2011, ông Kim Jong-il đột ngột qua đời vì bệnh tim, để lại tất cả các vị trí lãnh đạo cao nhất ở Triều Tiên cho đại tướng Kim Jong-un. Ảnh: KCNA |
Trước khi qua đời, ông Kim Jong-il có chuyến thăm Nga và tuyên bố sẵn sàng tái khởi động đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Gần hai tháng sau khi ông Kim mất, Triều Tiên và Mỹ lần đầu nối lại đàm phán hạt nhân. Phái viên Mỹ, Glyn Davies và phái viên Triều Tiên, Kim Kye-kwan đã gặp nhau ở Bắc Kinh trong những ngày cuối tháng trước. Trong ảnh là cảnh ông Davies trả lời phỏng vấn của báo giới sau ngày đàm phán đầu tiên tại Bắc Kinh, hôm 23/2. Ảnh: AFP |
Dù cả Washington và Bình Nhưỡng đều không thông báo về kết quả cụ thể nào sau đàm phán tại Bắc Kinh, nhưng Triều Tiên hôm qua bất ngờ tuyên bố ngừng chương trình hạt nhân và cho phép các thanh sát viên quốc tế trở lại nước này, để đổ lại việc Mỹ viện trợ 240.000 tấn lương thực. Các nước lớn trên thế giới và Liên Hợp Quốc đều có phản ứng tích cực trước tuyên bố này, dù đây không phải là lần đầu tiên Bình Nhưỡng quyết định dừng chương trình hạt nhân. |
Phan Lê