Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: AFP |
Trung Quốc, đồng minh của Triều Tiên, hôm nay hoan nghênh tuyên bố quan trọng của nước láng giềng. "Chúng tôi chào đón sự cải thiện quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ, cũng như sự đóng góp của hai nước này đối với việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên", AFP dẫn thông báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi.
Theo thông báo này, Trung Quốc sẽ sẵn sàng làm việc với các bên liên quan để tiếp tục thúc đẩy quá trình đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời giữ vai trò xây dựng trong việc hiện thực hóa hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, cũng như khu vực Đông Bắc Á.
Phát biểu trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ tại thủ đô Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho hay: "Tuyên bố ngày hôm nay (của Triều Tiên) thể hiện bước đi đầu tiên trong một định hướng đúng đắn. Chúng tôi tất nhiên sẽ theo sát và đánh giá những quyết sách của các lãnh đạo mới tại Triều Tiên".
Người phát ngôn Nhà Trắng, Jay Carney thì cho biết: "Đây là những biện pháp cụ thể mà chúng tôi coi là một bước đi tích cực đầu tiên, nhằm hướng tới việc hoàn tất và thực hiện quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình".
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba hoan nghênh bước đi này của Triều Tiên. Nhưng ông cũng thận trọng cho rằng Bình Nhưỡng cần biến những lời nói thành hành động thực tế, để có thể phá vỡ thế bế tắc hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.
"Đây là một bước đi quan trọng và có thể coi là tiến bộ... nhưng điều quan trọng là chúng ta phải nhìn thấy được hành động thực tế", Gemba nói.
"Mục tiêu của chúng ta vẫn không thay đổi, đó là mọi cơ sở liên quan đến hoạt động hạt nhân phải được dừng hoạt động, quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cần được hoàn thành và có thể kiểm chứng".
Năm 2005 Triều Tiên từng có thỏa thuận ngừng các hoạt động làm giàu nguyên liệu hạt nhân, khi đàm phán sáu bên có tiến triển. Tuy nhiên các thỏa thuận này bị phá vỡ năm 2009 khi Bình Nhưỡng từ bỏ bàn đàm phán và tố cáo Mỹ có thái độ thù địch. Trước đó, năm 2006, Triều Tiên công bố thử vũ khí hạt nhân.
"Bầu không khí cho việc tiến hành đàm phán sáu bên đang được cải thiện dần dần", ngoại trưởng Nhật cho biết thêm. Nhưng ông cũng nói rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp để tái khởi động việc này.
BBC dẫn lời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm qua kêu gọi một quá trình phi hạt nhân hóa thực sự trên bán đảo Triều Tiên, sau tuyên bố quan trọng của Bình Nhưỡng. Người phát ngôn Martin Nesirky của ông Ban thì chia sẻ rằng tổng thư ký Liên Hợp Quốc cảm thấy được khích lệ trước những cuộc đàm phán mới giữa Bình Nhưỡng và Washington, với kết quả là tuyên bố quan trọng của Triều Tiên. Cựu bộ trưởng ngoại giao Hàn Quốc cũng hoan nghênh những tiến triển thực sự và tích cực được tạo ra sau cuộc đàm phán Mỹ - Triều Tiên ở Bắc Kinh mới đây.
Triều Tiên hôm qua tuyên bố chấp thuận dừng chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ lương thực từ Mỹ, đồng thời cho phép cơ quan hạt nhân Liên Hợp Quốc giám sát cam kết trên. Cụ thể, Bình Nhưỡng sẽ dừng thử nghiệm hạt nhân, thử nghiệm tên lửa tầm xa và ngừng làm giàu uranium ở cơ sở hạt nhân Yongbyon để đổi lấy viện trợ. Mỹ xác nhận thỏa thuận này và cam kết viện trợ 240.000 tấn lương thực cho Triều Tiên và sẽ còn tiếp tục viện trợ thêm trong thời gian tới.
Nhật Nam