Chuyến công du châu Á Tổng thống Mỹ Donald Trump, nếu được tận dụng hợp lý, có thể thúc đẩy vị thế lãnh đạo của ông chủ Nhà Trắng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn rủi ro khiến an ninh quốc gia Mỹ suy yếu nếu Tổng thống Trump truyền đi những thông điệp gây hoang mang, theo CNN.
Từ ngày 3 - 14/11, ông Trump sẽ đi qua 5 nước gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Đây là chuyến công du dài nhất của Tổng thống Mỹ kể từ khi nhậm chức đến nay.
Theo nhà phân tích Samantha Vinograd thuộc kênh CNN, người từng làm việc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từ năm 2009 - 2013, dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, những chuyến công du kiểu này, dù được chuẩn bị tốt đến đâu hay diễn ra trong điều kiện thuận lợi thế nào, cũng vô cùng phức tạp bởi có quá nhiều cuộc họp, sự kiện công chúng phải tham gia và ông chủ Nhà Trắng cần nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh chính trị ở từng quốc gia.
Trước bối cảnh an ninh tương đối bất ổn hiện nay ở châu Á - Thái Bình Dương, từ mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên cho đến tranh cãi xung quanh vấn đề giết người ngoại tụng trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines, mỗi phút công du của Tổng thống Trump đều có ý nghĩa quan trọng đối với lợi ích an ninh Mỹ.
"Ở châu Á, Tổng thống Trump có lịch trình dày đặc các cuộc họp song phương, sự kiện công chúng và hội nghị thượng đỉnh khu vực. Chúng có thể là cơ hội để thúc đẩy lợi ích an ninh Mỹ nhưng cũng ẩn chứa nguy cơ khiến danh tiếng của Mỹ trên trường quốc tế bị ảnh hưởng", Vinograd nhận xét. Dù vậy, "có một mục tiêu mà Nhà Trắng không đề cập tới trong các thông báo chính thức về chuyến công du: Thuyết phục đồng minh và đối thủ rằng Mỹ vẫn là lãnh đạo toàn cầu".
Khôi phục niềm tin
Đồng minh và đối thủ của Mỹ luôn quan tâm tới việc chính quyền Tổng thống Trump tham gia hay từ bỏ thỏa thuận quốc tế nào. Câu hỏi trên đặc biệt quan trọng đối với Hàn Quốc, nơi ông Trump dự kiến gặp song phương với Tổng thống Hàn Moon Jae-in và đi thăm các binh sĩ quân đội.
Tổng thống Moon dường như sẽ tới dự các cuộc gặp với một nỗi phân vân rằng liệu ông có thể thực sự tin tưởng vào những cam kết, lời hứa hẹn từ người đồng cấp Mỹ hay không và liệu lời tuyên bố "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên của Tổng thống Trump có trở thành hiện thực hay không, giới chuyên gia nhận định.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuần trước tỏ ý rằng Mỹ sẽ không chấp nhận những mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chắc chắn sẽ theo dõi sát sao các cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ - Hàn nhằm tìm kiếm manh mối cho câu hỏi liệu ông Trump và ông Moon có cùng quan điểm hành động trước Triều Tiên hay không. Ông Kim có thể tiến hành phóng thử tên lửa trong quãng thời gian chuyến công du diễn ra.
"Tổng thống Trump cần thuyết phục Tổng thống Moon rằng ông đã chuẩn bị và sẵn sàng hành động quyết đoán, đồng thời thừa nhận mối lo lắng của Hàn Quốc về thương vong dân thường trên bán đảo Triều Tiên", Vinograd nhấn mạnh.
Tổng thống Trump thường tự nhận mình là một nhà thương thuyết xuất chúng, nhưng sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về Chống biến đổi khí hậu, việc ông sẵn sàng thỏa thuận và thương thuyết đến đâu hiện vẫn chưa rõ ràng. Điều này khiến Nhật Bản lo lắng.
Chiến thắng tại kỳ bầu cử sớm vừa qua mang đến cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nguồn động lực mới ở trong nước. Mặt khác, Thủ tướng Nhật cũng cho thấy ông vẫn muốn theo đuổi mục tiêu cải cách Điều 9 Hiến pháp nước này, theo đó cấm Nhật Bản duy trì lực lượng quân đội thường trực.
Khi mà mối lo âu về Triều Tiên ngày càng tăng và những căng thẳng với Trung Quốc chưa được tháo gỡ, Thủ tướng Abe có lẽ muốn trao đổi với Tổng thống Trump về vấn đề quốc phòng. Chương trình nghị sự còn có thể bao gồm các vấn đề thương mại. Để củng cố niềm tin vào vị thế lãnh đạo của Mỹ, Tổng thống Trump cần đưa ra những đường hướng hợp tác đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với ông chủ Nhà Trắng, giới quan sát đánh giá.
Theo phó giáo sư về khoa học chính trị Ching Hao Huang từ Cao đẳng Yale-NUS, Singapore, chuyến thăm châu Á lần này sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong mục tiêu chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump.
"Chuyến công du là cơ hội để Washington thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu, đồng thời nêu rõ tầm nhìn cũng như sứ mệnh Mỹ hướng đến trong bối cảnh cán cân quyền lực khu vực đang thay đổi nhanh chóng", ông Ching bình luận. "Sẽ có những kỳ vọng, mong muốn Mỹ làm rõ hơn đường hướng tương lai ở khu vực và họ sẽ làm gì để đóng góp cho an ninh và hòa bình".
Ông Ching nhận định để làm nên thành công cho chuyến công du, điều Tổng thống Trump cần làm là nêu lên được chiến lược bao quát của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Vì thế, tất cả mọi ánh mắt sẽ tập trung vào những thông điệp mà ông chủ Nhà Trắng truyền đi. "Liệu Washington định duy trì nền tảng trong chiến lược bao quát hay ủng hộ một cách tiếp cận khác: Chấm dứt hiện diện của Mỹ tại khu vực và củng cố thêm những cam kết tốn kém, quá tải ở nước ngoài nhằm khuyến khích các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản gánh vác trách nhiệm lớn hơn", Ching đặt vấn đề. Nếu câu hỏi cơ bản trên chưa được trả lời, việc xử lý những mối đe dọa và thách thức về an ninh, chẳng hạn như chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, sẽ trở nên "vô cùng gian nan".
"Chuyến công du châu Á có thể là bước đi đầu tiên hướng tới mục tiêu định hình lại vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ sau nhiều tháng khó khăn", bà Vinograd nhấn mạnh.
Vũ Hoàng