Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị có chuyến công du châu Á qua 5 nước gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines từ ngày 3 đến 14/11. Đây là chuyến công du dài nhất của ông Trump kể từ khi nhậm chức đến nay, đòi hỏi nỗ lực chuẩn bị rất lớn của đội ngũ trợ lý ở Nhà Trắng.
Politico dẫn lời các nguồn thạo tin tiết lộ đội ngũ cố vấn cho Tổng thống Mỹ, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, những ngày qua liên tục trao đổi với ông Trump về mọi chi tiết của chuyến đi.
Với hàng chục cuộc thảo luận để lên kế hoạch cho các bài phát biểu công khai của Tổng thống Mỹ và liệt kê những điểm ông nên nói về vấn đề phòng thủ trước Triều Tiên hay thương mại với Trung Quốc, đội cố vấn cố gắng rút ngắn thời gian mỗi cuộc họp để ông Trump không bị quá tải thông tin.
"Chúng tôi cố gắng làm từng bước một để dễ theo dõi", một quan chức chính quyền Mỹ cho hay và thêm rằng Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary Cohn cùng Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng đã họp với Tổng thống Trump.
Theo các cựu quan chức Mỹ am hiểu vấn đề, đội ngũ của ông Trump có thể vấp phải vô số vấn đề về nghi thức khi đến châu Á, nơi rất coi trọng khuôn phép và lễ nghi.
Những tương tác giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý đặc biệt, trong bối cảnh các quốc gia châu Á khác đang tìm cách cân bằng mối quan hệ với cả Bắc Kinh và Washington.
Các quan chức chính quyền cho biết Tổng thống Mỹ dường như rất nóng lòng gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc. Nhưng việc ông Trump gần đây thường xuyên dành lời ca ngợi ông Tập lại khiến những đồng minh truyền thống của Washington cảm thấy phân vân. Họ không biết ông chủ Nhà Trắng sẽ thể hiện những gì ở châu Á, một lãnh đạo cứng rắn, người từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng Trung Quốc "cưỡng bức" thương mại Mỹ, hay một nhà thương thuyết đang hướng đến triển vọng cải thiện quan hệ song phương.
Chuyến công du sắp tới được dự đoán sẽ gây áp lực lớn lên đội ngũ cố vấn của ông Trump về việc cần làm rõ hơn nữa chiến lược Mỹ đang theo đuổi ở châu Á. Giới phân tích nhận xét nó hiện quá mơ hồ. Mặt khác, Tổng thống Mỹ cũng phải cân nhắc thay đổi một loạt vấn đề chính sách lâu nay vốn gây chia rẽ đồng minh ở khu vực.
Các cố vấn Nhà Trắng hy vọng chuyến công du sẽ tập trung vào hai vấn đề chính: Mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên và thương mại. Theo một quan chức chính quyền Mỹ, Tổng thống Trump muốn cho thấy một mặt trận thống nhất chống lại sự khiêu khích từ Triều Tiên. Ông nhấn mạnh các phát ngôn công khai của Tổng thống Trump trong chuyến đi sẽ đóng vai trò như "lời nhắc nhở rằng không chỉ Mỹ mà cả thế giới đang đối đầu với Triều Tiên".
Đội ngũ cố vấn cho Trump suốt hàng tháng nay vẫn tranh cãi về chi tiết chiến lược châu Á của ông, đặc biệt về vấn đề thương mại, thậm chí ngay cả khi Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đang trong giai đoạn xây dựng một chiến lược toàn vẹn hơn trước Trung Quốc.
Những người chỉ trích Trung Quốc, như cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro hay cựu chiến lược gia trưởng Steve Bannon, đã thể hiện thái độ phản đối với các cố vấn có chủ trương hòa hoãn, những người không đồng tình với đề xuất áp đặt thuế cao lên hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
Nhiều người cho rằng việc ông Navarro không tham gia chuyến công du cùng Tổng thống Mỹ là dấu hiệu cho thấy ông Trump sẽ thể hiện thái độ mềm mỏng với Trung Quốc trong lần thăm châu Á này và để Chủ tịch Tập Cận Bình giành được ưu thế trước Mỹ.
Ngoài Trung Quốc, giới chuyên gia dự đoán Tổng thống Trump có khả năng đối diện với những tình huống phức tạp ở các quốc gia khác trong lịch trình chuyến công du. Vì thế, công tác chuẩn bị càng được đặt nặng.
Ở Philippines, ông Trump cần giữ thế cân bằng thận trọng khi vừa phải nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Washington - Manila và vừa phải tránh đề cập tới tranh cãi quanh chiến dịch chống ma túy do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát động. Chiến dịch này bị cộng đồng quốc tế phản đối vì cho rằng nó vi phạm nhân quyền.
Tổng thống Mỹ cũng có nguy cơ bị mắc kẹt trong cuộc tranh cãi dai dẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề phụ nữ mua vui thời kỳ Thế chiến II.
"Điều đó sẽ là thảm họa", một cố vấn cho Tổng thống Trump nói.
Một số cố vấn cho ông Trump thừa nhận một trong những yếu tố khiến chuyến công du trở nên phức tạp hơn là lịch trình quá dày đặc, có thể làm gia tăng nguy cơ dẫn đến sai sót.
Ngoài ra, theo Capricia Marshall, trưởng ban nghi thức Nhà Trắng dưới thời cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, không chỉ Tổng thống Trump mà toàn bộ phái đoàn Mỹ cũng cần thận trọng với bất cứ sơ sẩy nào có thể xảy ra.
"Về nghi thức, bạn đang tỏ thái độ trân trọng một nền văn hóa khác", Marshall nói. "Hiển nhiên, mục tiêu là nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn".
Vũ Hoàng