Tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. "Đây sẽ là kỷ nguyên Trung Quốc tiến gần đến vị trí trung tâm thế giới", ông nói.
Nhưng liệu Trung Quốc có sắp thay thế Mỹ trở thành cường quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương? Để có câu trả lời, châu Á đang hướng sự chú ý đến Tổng thống Mỹ Trump, người sẽ công du châu Á ngày 3 - 14/11, đi qua Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
"Trong chuyến thăm châu Á, Trump cần mạnh mẽ đẩy lùi suy nghĩ rằng sự lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế và ở châu Á đang suy giảm", Paul Haenle, giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, nói.
Thực tế, cách suy nghĩ đó được thúc đẩy bởi một trong những hành động đầu tiên của Trump khi ông nhậm chức là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại vốn là điểm nhấn trong chính sách kinh tế của chính quyền Obama đối với khu vực.
Trump giờ đã ít nhắc đến đề xuất trong chiến dịch tranh cử rằng các đồng minh châu Á nên trả tiền nhiều hơn cho Mỹ để được bảo vệ hoặc nên tự phát triển các biện pháp răn đe hạt nhân. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục đe dọa thương lượng lại thoả thuận tự do thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc, một đồng minh chiến lược quan trọng, theo Washington Post.
Nhà Trắng cho biết Trump sẽ tới Bắc Kinh để tìm kiếm thêm sự giúp đỡ trong việc gây áp lực lên Triều Tiên và cân bằng mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhưng các nhà ngoại giao châu Âu nói rằng có rất ít hoặc không có sự phối hợp chính sách giữa Washington và Tây Âu trong việc thiết lập chính sách thương mại và tiếp cận thị trường Trung Quốc. Ít người tin tưởng rằng Washington có một chiến lược chặt chẽ.
Cuộc gặp hồi tháng 4 của ông Trump với ông Tập tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Florida không được coi là đạt được tiến bộ đáng kể. Các nhà ngoại giao châu Âu lo ngại trong chuyến thăm sắp tới, Trung Quốc có thể tích cực lấy lòng Trump bằng sự tiếp đón long trọng, tráng lệ, khiến nhà lãnh đạo Mỹ phân tâm.
Các nhà ngoại giao phương Tây ở Bắc Kinh nói rằng các đối tác của họ ở châu Phi, Mỹ Latinh và thậm chí cả những khu vực nghèo ở châu Âu ngày càng bị cuốn hút bởi hệ thống chính trị và kinh tế của Trung Quốc.
"Các quốc gia càng ở xa Trung Quốc về mặt địa lý thì càng bị cuốn hút", một nhà ngoại giao nói.
Trong khi đó, nhiều nước ở châu Á - Thái Bình Dương vẫn hướng về Mỹ để mong họ giữ gìn hòa bình và kiềm chế Trung Quốc.
"Tôi không biết lý do tại sao nhưng dù Mỹ đã làm nhiều điều tồi tệ, họ vẫn được tin cậy và chấp nhận hơn", ông nói. "Các nước khác có thể nhận tiền của Trung Quốc và Bắc Kinh cũng gây được ảnh hưởng khi cần thiết, nhưng tôi không thấy giới lãnh đạo Trung Quốc được chào đón nhiều bởi các nước láng giềng hoặc ở châu Phi và châu Âu".
Các chuyên gia nói rằng chuyến đi châu Á kéo dài của ông Trump có thể giúp trấn an các đồng minh, mặc dù việc ông bỏ qua Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Philippines vẫn làm dấy lên nhiều lo ngại.
Rana Mitter, giáo sư về lịch sử và chính trị Trung Quốc hiện đại tại Đại học Oxford, cho rằng bài phát biểu của ông Trump tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam sẽ là một trọng điểm cần theo dõi.
Bài phát biểu sẽ được phân tích kỹ lưỡng để xem liệu Trump có đưa ra một tuyên bố rõ ràng và mạch lạc về cam kết của Mỹ đối với khu vực hay không.
Mitter nói rằng rốt cục thì Washington mới là bên tự quyết định họ muốn gây ảnh hưởng đến mức nào.
"Nếu bạn nhìn nhận một cách khách quan, mức độ quyền lực, ảnh hưởng và liên minh của Mỹ ở Đông Á vẫn vượt xa Trung Quốc", ông nói. "Người Mỹ vẫn còn nhiều lá bài trong tay họ. Việc họ có dùng các lá bài này hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào họ".
Phương Vũ