Nhân dịp Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự hội nghị APEC 2017 và thăm cấp nhà nước Việt Nam, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng trả lời phỏng vấn VnExpress về những quan tâm tại APEC cũng như chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 19.
- Trong hội nghị APEC năm nay, Trung Quốc quan tâm những vấn đề nào?
- APEC là cơ chế hợp tác kinh tế quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc rất coi trọng và ủng hộ hợp tác APEC. Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới dự hội nghị APEC 2017 tổ chức ở Đà Nẵng. Đây là hội nghị quốc tế đa phương đầu tiên mà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc tham dự sau đại hội Đảng lần thứ 19. Trong hoàn cảnh hiện tại, khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng không ổn định, toàn cầu hóa kinh tế đang điều chỉnh sâu sắc, chủ nghĩa bảo hộ phát triển, tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự APEC và xây dựng một nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương mở là điều vô cùng quan trọng.
Trung Quốc ủng hộ chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" của APEC năm nay, trên cơ sở tiếp tục thực hiện những đồng thuận đã đặt ra tại Hội nghị Bắc Kinh (APEC 2014) và những hội nghị các năm gần đây, đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực, kết nối giao thông, cải cách và đổi mới, kinh tế Internet, tăng trưởng đồng đều và nhiều lĩnh vực hợp tác khác. Trung Quốc cũng ủng hộ thúc đẩy hội nghị APEC tuân thủ nguyên tắc chung về xây dựng nền kinh tế mở, thúc đẩy hợp tác thực tiễn các lĩnh vực trên mọi mặt, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế toàn cầu và châu Á - Thái Bình Dương.
- Trung Quốc sẽ thảo luận tiến hành những vấn đề trên thế nào?
- Trung Quốc và Việt Nam là những nền kinh tế mở, đều ủng hộ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tự do hàng hóa, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, tích cực xây dựng quan hệ đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hồi tháng 10, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác nhận sẽ tới dự hội nghị APEC tại Đà Nẵng, thể hiện ủng hộ toàn lực của Trung Quốc với Việt Nam trong lần tổ chức hội nghị này. Trung Quốc đánh giá cao vai trò nước chủ nhà của Việt Nam. Việt Nam đã thực hiện nhiều công tác chuẩn bị, đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp sự đồng thuận giữa các bên và thúc đẩy tiến trình APEC.
Trung Quốc sẵn sàng tăng cường giao lưu tìm hiểu với Việt Nam và các bên, đạt kết quả tích cực, thực tiễn, cân bằng trên cơ sở đồng thuận, cùng vạch ra tầm nhìn cho tương lai hợp tác tốt đẹp của APEC.
- Trung Quốc hy vọng đạt được gì tại APEC năm nay?
- Hiện nay, kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đang ở giai đoạn chuyển đổi quan trọng giữa mới và cũ, tồn tại nhiều cơ hội phát triển, cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Trung Quốc sẵn sàng đi chung một con đường với các nước thành viên, lấy quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương làm chỉ dẫn, cùng nhau thúc đẩy hội nghị lãnh đạo APEC năm nay đạt được thành quả thực chất.
Hiện nay, chủ nghĩa bảo hộ và xu hướng đi ngược toàn cầu hóa đang nổi lên. Hội nghị nên tạo ra tiếng nói mạnh mẽ hơn, thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế, ủng hộ các cơ chế thương mại đa phương, xây dựng nền kinh tế mở. APEC nên duy trì đà hợp tác, phản ánh toàn diện những tiến triển hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương, kết nối giao thông, cải cách và đổi mới, kinh tế Internet, chuỗi giá trị toàn cầu.
Về dài hạn, nên thúc đẩy thảo luận tầm nhìn hợp tác sau năm 2020, thiết lập khuôn khổ hợp tác trung hạn và dài hạn, thúc đẩy mô hình kinh tế đa phương mở ở châu Á - Thái Bình Dương lên mức cao hơn, hợp tác mở rộng chiếc bánh kinh tế thế giới, đảm bảo hợp tác châu Á - Thái Bình Dương luôn phát triển theo hướng mở cửa, đồng đều, vì lợi ích chung.
- Sau đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, Trung Quốc có những thay đổi gì trong chính sách đối ngoại?
- Đại hội 19 là hội nghị quan trọng, diễn ra trong bối cảnh việc xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bước vào kỷ nguyên mới ở thời điểm then chốt. Trong báo cáo đại hội 19 chỉ rõ, Trung Quốc duy trì chính sách đối ngoại mở cửa, phát triển hòa bình, hợp tác cùng có lợi.
Giấc mơ Trung Quốc và ước mơ của nhân dân các nước kết nối với nhau, sự phát triển của Trung Quốc không tách rời với hòa bình và ổn định quốc tế. Báo cáo đại hội 19 đã chỉ rõ nội dung trong quan hệ quốc tế kiểu mới, đó là "tôn trọng lẫn nhau, công bằng chính nghĩa, hợp tác cùng thắng". Đối với vận mệnh chung của cộng đồng nhân loại, báo cáo nêu rõ mục tiêu xây dựng một thế giới "hòa bình lâu dài, an toàn, cùng nhau phồn vinh, cởi mở, đồng đều, trong sạch và tươi đẹp".
Tổng bí thư Tập Cận Bình đã nêu kỷ nguyên mới là thời đại lợi ích của Trung Quốc đến gần với vũ đài trung ương thế giới, không ngừng đóng góp càng lớn cho nhân loại.
- Sáng kiến "Vành đai - Con đường" đã bắt đầu được thực hiện. Chính sách hợp tác cụ thể của Trung Quốc với Việt Nam trong sáng kiến này là gì?
- Năm 2013, Tổng bí thư Tập Cận Bình đề xuất sáng kiến "Vành đai Con đường". 4 năm qua, sáng kiến này luôn duy trì nguyên tắc cùng thảo luận, cùng xây dựng, cùng chia sẻ. Tới nay, sáng kiến này đã bước vào giai đoạn mới là thúc đẩy hợp tác thực chất toàn diện, được hơn 100 quốc gia tích cực hưởng ứng. Yếu tố quan trọng của "Vành đai Con đường" là ý tưởng cùng nhau phát triển, với mục tiêu hợp tác cùng thắng. Sáng kiến này không phải vì mục đích để một mình Trung Quốc phân chia chiếc bánh hoặc giữ phần lớn chiếc bánh, mà muốn dựa trên nguyên tắc hỗ trợ tôn trọng lẫn nhau, tìm ra điểm tương đồng và điểm hợp tác, tạo ra quy hoạch tổng thể.
"Hai hành lang, một vành đai" là hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ đã được lãnh đạo cao cấp hai nước thỏa thuận xây dựng. |
Việt Nam là quốc gia ASEAN duy nhất có biển và lục địa tiếp giáp Trung Quốc. Cùng với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, song phương đã có bước tiến lớn về khuôn khổ hợp tác "Vành đai Con đường". Hồi tháng 5, Chủ tịch Trần Đại Quang đã tới Bắc Kinh dự diễn đàn cấp cao "Vành đai Con đường", thể hiện sự ủng hộ của đảng và chính phủ Việt Nam với sáng kiến này. Hai nước đã đạt được tiến triển tích cực, đạt được nhận thức chung quan trọng về phát triển chiến lược "Hai hành lang, một vành đai" và sáng kiến "Vành đai, Con đường".
Việt Nam đang xây dựng một quốc gia công nghiệp hóa hiện đại, đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp. Phương hướng và nội dung hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam rất phù hợp với các nhu cầu của Việt Nam, tiềm năng phát triển rất lớn.
Hai nước đã có nhiều thành tựu trong các mặt hợp tác. Trong lĩnh vực kết nối giao thông, nhiều tỉnh biên giới đang quy hoạch xây dựng mạng lưới kết nối đường quốc lộ và đường cao tốc, tạo thuận lợi hơn cho kết nối giao thông ở khu vực biên giới hai nước trong tương lai. Để thúc đẩy phát triển kinh tế biên giới, hai bên đang nghiên cứu xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong việc tăng cường kết nối giao thông.
Trong lĩnh vực hợp tác điện lực, hai bên đã phát triển từ việc mua bán điện sang hợp tác xây dựng nhà máy. Ví dụ, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có vốn đầu tư lên tới 1,8 tỷ USD, sau khi xây dựng đã giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu điện ở phía nam Việt Nam.
Trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. Tập đoàn Thiên Hồng đã xây dựng nhà máy dệt may lớn nhất Việt Nam tại Bắc Ninh, tạo hơn 7.000 việc làm cho lao động địa phương. 11 doanh nghiệp lớn sản xuất pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã đặt nhà máy tại tỉnh Bắc Giang, khiến Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất pin mặt trời lớn nhất ở nước ngoài của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đầu tư xây dựng nhiều khu công nghiệp cỡ lớn ở Việt Nam, bao gồm khu công nghiệp Hải Phòng - Thâm Quyến ở miền bắc, khu công nghiệp Long Giang tại miền nam, khu công nghiệp Hải Hà ở vùng biên giới. Những khu công nghiệp này đã phát huy tác dụng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác Việt - Trung. Ngoài ra, trên các ngành dịch vụ như viễn thông, thương mại điện tử, vận chuyển hàng hóa và tài chính, hai bên có tiềm năng hợp tác lớn.
- Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước Việt Nam sau khi dự APEC, ông đánh giá thế nào về những trọng điểm hợp tác trong quan hệ Việt Trung hiện tại và tương lai?
- Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng hữu nghị truyền thống. Phát triển tốt quan hệ Trung-Việt có ý nghĩa quan trọng với sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của hai nước, phù hợp với lợi ích cơ bản và kỳ vọng chung của nhân dân hai nước.
Những năm gần đây, dưới sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo hai nước, quan hệ Trung-Việt về tổng thể vẫn duy trì xu hướng phát triển hữu hảo, đạt được những thành tựu thực chất tích cực. Về mặt giao lưu giữa lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thăm hỏi thường xuyên, đặc biệt là tổng bí thư hai đảng không ngừng gia tăng tìm hiểu chiến lược, dẫn dắt quan hệ Trung- Việt không ngừng phát triển theo hướng tốt hơn theo con đường đúng đắn. Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp thăm Việt Nam cấp nhà nước, là lần thứ hai trong vòng một năm lãnh đạo cấp cao nhất hai nước cùng thăm chính thức song phương. Đây là điều ít xảy ra trong ngoại giao hai nước từ trước tới nay, thể hiện tầm cao trong quan hệ hai nước và sự coi trọng của tập thể lãnh đạo mới của Trung Quốc đối với quan hệ Trung-Việt .
Trong hợp tác thực chất, các lĩnh vực hợp tác của hai nước đã bước vào giai đoạn mới. Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 13 năm, còn Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Tổng kim ngạch thương mại Trung-Việt năm nay có triển vọng vượt mức 100 tỷ USD. Dưới sự nỗ lực của song phương, cán cân thương mại có xu hướng cân bằng. Đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam những năm gần đây tăng vọt. Năm 2016, kim ngạch thỏa thuận đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng gấp đôi so với năm trước. Ba quý đầu năm 2017, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ 4 tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD, có triển vọng lập thành tích cao mới trong lịch sử.
Về giao lưu văn hóa, năm ngoái, Việt Nam có hơn hai triệu du khách tới Trung Quốc. Lượng du khách Trung Quốc tới Việt Nam trong gần hai năm nay luôn duy trì mức tăng trưởng cao khoảng 50%. Năm nay, dự kiến sẽ có hơn 4 triệu lượt khách Trung Quốc tới thăm Việt Nam, chiếm hơn 30% lượng khách quốc tế tới Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc sắp thành lập một trung tâm văn hóa ở Việt Nam. Các lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình, trò chơi trực tuyến, tiểu thuyết mạng của Trung Quốc cũng được đón nhận rộng rãi ở Việt Nam.
Hiện tại, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên mới, sự nghiệp đổi mới của Việt Nam cũng đang ở thời kỳ then chốt. Cùng với sự kết nối sâu hơn trong chiến lược phát triển của hai nước, hợp tác Trung-Việt sẽ bước vào thời kỳ tăng tốc, phát triển toàn diện quan trọng. Trong thời khắc lịch sử mới, Tổng bí thư Tập Cận Bình một lần nữa tới thăm cấp nhà nước Việt Nam, nêu ra phương hướng cho quan hệ hai nước trong kỷ nguyên mới, tiếp tục mở rộng quy mô hợp tác, tăng cường mức độ hợp tác. Việt Nam - Trung Quốc nên cùng nỗ lực, nắm bắt cơ hội, tập trung hợp tác, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Trung không ngừng đạt được tiến triển mới, mang lại càng nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước.
Việt Anh - Hồng Hạnh