Hàng nghìn phóng viên trong nước và quốc tế đã tới thành phố Đà Nẵng để đưa tin về Tuần lễ Cấp cao APEC vừa khai mạc hôm qua. Trả lời phỏng vấn VnExpress tại Trung tâm Báo chí Quốc tế ở Đà Nẵng, các phóng viên nước ngoài đưa ra những dự đoán riêng về nội dung sẽ được lãnh đạo các nền kinh tế thảo luận tại sự kiện.
Nantawan Wangudomsuk, phóng viên kênh truyền hình Asahi (Nhật Bản) văn phòng tại Bangkok, cho rằng việc Tổng thống Trump tham dự APEC gửi đi thông điệp duy trì chính sách xoay trục về châu Á, dù không mạnh mẽ như dưới thời của cựu tổng thống Barack Obama.
"Kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức thì đây là cơ hội đầu tiên để cùng một lúc ông nói chuyện và tiếp xúc với nhiều lãnh đạo các quốc gia trong khu vực châu Á", Wangudomsuk nói.
"Tổng thống Trump ưu tiên song phương hơn đa phương nên ông ấy cũng sẽ tận dụng cơ hội APEC để đối thoại song phương với một số lãnh đạo các nền kinh tế gắn với lợi ích của Mỹ", Wangudomsuk dự đoán, tin rằng Tổng thống Mỹ cũng có thể sẽ tận dụng diễn đàn APEC để nói cả về vấn đề Triều Tiên.
Tuy nhiên, Wangudomsuk không chắc chắn về việc Mỹ sẽ đem tới APEC phương án thay thế nào cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm duy trì ảnh hưởng của mình tại khu vực. TPP là một phần nằm trong chính sách xoay trục của Mỹ được khởi xướng dưới thời chính quyền Obama, nhưng ông Trump đã quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này.
Khi được hỏi ông Trump sẽ phát biểu gì tại APEC, các phóng viên đều có chung nhận định "không thể đoán trước được". "Nếu tôi biết ông Trump sẽ nói gì, tôi đã chẳng ngồi đây đưa tin, phải không?’, bà Zhu hóm hỉnh.
'Các nền kinh tế lớn đều muốn gây ảnh hưởng'
Trả lời câu hỏi liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có tận dụng diễn đàn APEC để thúc đẩy sức ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc hay không, bà Zhu Yu, trưởng bộ phận truyền hình của hãng thông tấn Xinhua, cho rằng tất cả các nền kinh tế lớn tham dự APEC 2017, không riêng Trung Quốc, đều muốn gây ảnh hưởng ở mức độ riêng.
"Chúng tôi muốn giàu có hơn, hùng mạnh hơn. Một Trung Quốc mạnh hơn sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của cả thế giới. Trung Quốc nghèo không đem lại ích lợi cho thế giới", bà Zhu nói. Bà nói thêm rằng sau Đại hội đảng Cộng sản, Trung Quốc đặt ra mục tiêu phát triển cho chính mình, nhưng không phải là vượt qua Mỹ.
Trong khi đó, phóng viên Wangudomsuk thì cho rằng Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh với nhau từ lâu, nhưng Trung Quốc không cạnh tranh một cách quyết liệt mà làm một cách mềm mỏng. "Giống như một con sóng, bên trên có thể bình lặng nhưng bạn không thể biết bên dưới chuyện gì đang xảy ra", nhà báo của Asahi nhận định.
Ông Akihiro Yokota, trưởng văn phòng đại diện của đài truyền hình NHK tại Hà Nội, cho rằng mục đích của Nhật Bản tại APEC lần này là khẳng định vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy tự do thương mại đa phương.
"Nhật Bản đang cố gắng đàm phán TPP với các quốc gia còn lại mà không có Mỹ tham gia. Tôi nghĩ rằng sau việc Mỹ rút khỏi TPP thì Nhật sẽ bước lên phía trước và nắm giữ vai trò lãnh đạo trong khu vực", ông Yokota nói.
Ông Ciaran McQuillan, trưởng phụ trách các sự kiện đặc biệt ở khu vực châu Á của hãng tin AP, mong chờ các cuộc gặp giữa ba nhà lãnh đạo Nga, Mỹ và Trung Quốc tại APEC. "Sau khi Mỹ có Tổng thống mới, tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến sự định vị lại ảnh hưởng trong khối APEC tại hội nghị lần này. Bên cạnh đó, đây là lần đầu tiên ba lãnh đạo Donald Trump, Vladimir Putin và Tập Cận Bình gặp gỡ nhau".
Ông Rafeal Miranda, phóng viên truyền hình nhà nước Mexico, cho rằng tại APEC 2017, Tổng thống Mexico sẽ tận dụng cơ hội để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
"Đây là vấn đề rất đáng chú ý trong bối cảnh Mỹ đe dọa rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sau một loạt các cuộc đàm phán gần đây giữa Mỹ, Canada và Mexico không đạt được tiến bộ nào để giải quyết các vấn đề còn đang vướng mắc", ông nói.
An Hồng