"Người dùng cá nhân có quyền lựa chọn tin hoặc không tin điều gì đó. Họ chính là người quyết định chia sẻ hay không chia sẻ thông tin", Andrew Bosworth, người sẽ trở thành Giám đốc công nghệ của Meta - công ty sở hữu Facebook, nói với CNN. Ông nhấn mạnh mạng xã hội không thể ngăn chặn những người muốn thể hiện suy nghĩ bản thân bằng cách chia sẻ niềm tin của họ.
Khi được hỏi về vấn đề e ngại tiêm vaccine Covid-19 và liệu Meta có đóng góp vào tình trạng này không, Bosworth nói mọi người có thể tùy ý lựa chọn những thông tin họ muốn trong một xã hội cởi mở.
"Vấn đề nằm ở những người đó, không phải ở chúng tôi. Không thể đổ lỗi cho chúng tôi", ông nhấn mạnh.
Theo ông, Meta không có đủ năng lực để đánh giá điều gì là thực sự chính xác nhằm hạn chế khả năng phát tán tin giả. "Chúng tôi vẫn còn nghi vấn với năng lực nhận diện tin giả của chính mình, đó là điều hợp lý", ông nói.
Mạng xã hội lớn nhất thế giới từng nhiều lần bị chỉ trích hỗ trợ phát tán thông tin giả về sức khỏe, phủ nhận sự ấm lên toàn cầu và cáo buộc gian lận trong bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Một số nghiên cứu cho thấy tin giả từ các tổ chức cực hữu thường thu hút nhiều tương tác hơn các nguồn khác.
Meta khẳng định đã thúc đẩy thông tin đáng tin cậy đến người dùng, như kết nối hơn 2 tỷ người đến kho dữ liệu về Covid-19 thông qua cổng thông tin điện tử, đánh dấu những kết quả dự báo bầu cử trên các tổ chức tin tức vào năm 2020. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chỉ trích tình trạng e ngại vaccine được thúc đẩy bởi tin giả trên mạng xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao vì Covid-19 tại Mỹ.
Bosworth là lãnh đạo lâu năm của Meta và cấp dưới thân cận của CEO Mark Zuckerberg, dự kiến trở thành CTO của công ty này đầu năm sau. Ông nhiều lần lên tiếng bảo vệ nỗ lực tập trung vào phát triển của công ty, cho rằng thuật toán trên các mạng xã hội của Meta "làm lộ rõ những ham muốn của con người, bất chấp tốt xấu".
Điệp Anh (theo CNN)