Từ khi phát hiện ca dương tính đầu tiên tuần qua, số ca nCoV tại New Zealand có xu hướng liên tục tăng. Cơ quan y tế nước này ghi nhận thêm 63 người nhiễm nCoV vào ngày 24/8. Số ca nhiễm mới trong ba ngày trước đó lần lượt là 38, 35 và 21 người.
Bước sang ngày phong tỏa thứ 7, giới quan sát ngày càng lo ngại biến chủng Delta sẽ là phép thử liều cao đối với "chiến lược dập dịch" của chính phủ New Zealand.
Bộ trưởng phụ trách ứng phó Covid-19 Chris Hipkins thừa nhận biến chủng mới đang đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai dài hạn của chiến lược này. Delta khiến các lớp phòng vệ y tế hiện nay "có vẻ không còn hiệu quả và nhanh chóng như trước". Ông thông báo chính phủ New Zealand đang tìm kiếm giải pháp, vì đất nước sớm muộn vẫn cần mở cửa.
"Trong vòng 24 tiếng, một người nhiễm đã có thể lây virus cho người khác. Chúng ta chưa từng gặp tình huống nào như vậy trong suốt đại dịch. Mọi thứ đã thay đổi", Hipkins cho biết.
Chiến lược ứng phó đại dịch Covid-19 của New Zealand đối diện thách thức từ biến chủng Delta không lâu sau khi Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố lộ trình mở cửa từng bước. Trong giai đoạn tăng tốc tiêm chủng trên toàn quốc, chính phủ nước này vẫn chủ trương siết chặt kiểm soát biên giới và mạnh tay phong tỏa bất kỳ khi nào ghi nhận ca nhiễm mới.
Phương châm hành động của New Zealand, theo lời nữ Thủ tướng, là dù không thể đảm bảo không xảy ra lây nhiễm, nhưng chỉ cần phát hiện một ca cộng đồng là phải dập dịch đến cùng.
New Zealand thời gian qua được xem là một trong những hình mẫu chống dịch thành công, bất chấp biến chủng Delta hoành hành tại châu Á - Thái Bình Dương. Một số chính quyền cũng theo đuổi mô hình này như đặc khu Hong Kong, Trung Quốc, đảo Đài Loan, Australia và Singapore. Ở mỗi trường hợp, biến chủng Delta đều gây ra đợt bùng dịch với quy mô và tốc độ lây nhiễm chưa từng có.
Cố vấn chính phủ New Zealand về Covid-19 Rodney Jones lưu ý xu hướng ca nhiễm tiếp tục tăng sẽ là thách thức không nhỏ đối với chiến lược chống dịch quốc gia. Các biện pháp khống chế sẽ kém hiệu quả dần một khi mầm bệnh xâm nhập nhóm lao động thiết yếu và Jones thừa nhận thực trạng đáng quan ngại này đang diễn ra ở Auckland.
Phần lớn người nhiễm trong 210 ca nCoV của đợt bùng dịch mới là cư dân thành phố Auckland. Ít nhất 20.383 người đã được truy vết tiếp xúc với chuỗi lây nhiễm, theo cập nhật từ cơ quan y tế New Zealand ngày 25/8.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 25/8, Thủ tướng Ardern bày tỏ tự tin rằng chiến lược "dập dịch" vẫn khả thi. Bà nhấn mạnh lượng ca nhiễm hiện tại không nằm ngoài dự đoán, lưu ý New Zealand mới trải qua 7 ngày phong tỏa nên dịch chưa đến ngưỡng chỉ còn phát hiện ca nhiễm trong khu cách ly.
"Chiến lược xóa sổ virus đã chứng tỏ hiệu quả với New Zealand trong những lần trước. Với hướng đi này, chúng ta đã tận hưởng nhiều ngày không bị áp hạn chế, không có nhiều ca bệnh nặng, nhập viện hay tử vong đáng tiếc", bà nhấn mạnh.
Giới chức y tế New Zealand nhận định tốc độ lây lan Covid-19 ở nước này chưa diễn ra với cấp số nhân. Phần lớn ca nhiễm được truy vết và có liên quan theo hộ gia đình hoặc nơi làm việc. Mọi trường hợp tiếp xúc gần đều được đưa đến cơ sở cách ly do chính phủ quản lý, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chống lây nhiễm.
Nhà dịch tễ học David Murdoch của Đại học Otago đồng tình rằng chiến lược chống dịch ở New Zealand vẫn khả thi. Ông đánh giá nước này đã áp lệnh phong tỏa mạnh tay ngay khi phát hiện một ca nhiễm, hiếm có quốc gia nào khác trên thế giới hành động quyết liệt và nhanh chóng như vậy.
"Chắc chắn chúng ta sẽ đẩy ca nhiễm về số không. Vẫn còn quá sớm để nói tình hình đã vượt quá tầm kiểm soát", ông bình luận.
Murdoch nhận định cách ứng phó mạnh tay ngay từ đầu của New Zealand cho chính phủ thêm thời gian để kiểm soát tình hình. Ông chỉ ra điểm sáng là tỷ lệ cao người dân vẫn ủng hộ chiến lược hiện tại và chấp nhận phong tỏa. Một khảo sát gần đây cho thấy 70% người New Zealand lạc quan trước khả năng khống chế lây nhiễm của chính phủ, cao hơn cả khảo sát trước đợt bùng phát.
Theo bác sĩ Andrew Chen, Đại học Auckland, bài toán lớn nhất của New Zealand là tăng mức độ truy vết tự nguyện trong người dân. Mô hình nghiên cứu cho thấy một cộng đồng cần ít nhất 60-80% người trưởng thành tham gia truy vết điện tử mới tạo được tác động thực chất lên hệ số lây nhiễm.
Trước đợt bùng phát, tỷ lệ cư dân New Zealand chủ động dùng mã truy vết QR là 10% và tỷ lệ sử dụng ứng dụng truy vết Bluetooth là 35-40%.
Bất chấp những tranh cãi chính trị, Bộ trưởng Hipkins nhấn mạnh thời điểm này vẫn còn quá sớm để người dân chấp nhận đầu hàng và thay đổi chiến lược giữa cuộc chiến. Trong vài ngày qua, New Zealand không chỉ mở rộng xét nghiệm mà còn tăng tốc tiêm chủng mỗi ngày. Chỉ trong ngày 24/8, New Zealand triển khai được 80.000 mũi vaccine Covid-19 và gần 50.000 lượt xét nghiệm.
"Chúng ta đã tiến được rất xa và sẽ thật đáng tiếc nếu bỏ cuộc ngay lúc này. Chúng ta vẫn muốn đẩy lùi đợt bùng phát và Covid-19 ra khỏi cộng đồng, khôi phục trạng thái bình thường", Hipkins tuyên bố.
Trung Nhân (Theo Guardian/Examiner/ABC)