Thủ tướng Jacinda Ardern ngày 12/8 thông báo lộ trình New Zealand tái mở cửa dần từ tháng 10 đến đầu năm 2022. Dù dự tính nới lỏng kiểm soát biên giới với công dân hồi hương đã tiêm vaccine Covid-19 và hành khách từ những nước rủi ro lây nhiễm thấp, bà nhấn mạnh New Zealand sẽ không trở về trạng thái bình thường trước đại dịch.
"Tương tự sau sự kiện 11/9, biên giới sau Covid-19 sẽ không bao giờ trở lại như xưa. Mọi thứ có thể thay đổi. Điều này không đồng nghĩa rằng chúng ta không thể thích nghi và cuối cùng cảm thấy đó là chuyện bình thường", Thủ tướng Ardern chia sẻ tại sự kiện ở Wellington.
New Zealand đã đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020 và duy trì kiểm soát chặt chẽ xuất nhập cảnh. Quốc gia với khoảng 5 triệu dân chỉ ghi nhận 2.905 ca nhiễm và 26 ca tử vong trong hơn một năm qua. Vào tháng 6, ngay khi biến chủng Delta bùng phát tại Australia, New Zealand lập tức tạm ngưng vô thời hạn "bong bóng đi lại" giữa hai nước.
Ngoài tận dụng lợi thế địa lý tách biệt giữa biển, chính phủ Ardern còn theo đuổi một trong các chính sách chống dịch mạnh tay nhất thế giới với các lệnh phong tỏa tập trung cấp địa phương mỗi khi phát hiện ca nhiễm và chương trình truy vết tiếp xúc tinh vi.
Theo kế hoạch, công dân hồi hương đã tiêm chủng Covid-19 từ tháng 10 có thể được tự cách ly tại nhà và bỏ qua quy định cách ly 14 ngày trong khách sạn. Từ đầu năm 2022, New Zealand có khả năng cho phép hành khách từ những nước rủi ro Covid-19 thấp được nhập cảnh mà không cần cách ly. Yêu cầu xét nghiệm và tiêm chủng đầu vào vẫn được duy trì.
Đối với trường hợp đã tiêm chủng đến từ nước thuộc nhóm rủi ro trung bình, khách quốc tế được yêu cầu tự cách ly hoặc cách ly theo chỉ định nhưng với thời gian ngắn hơn. Mọi trường hợp khách quốc tế chưa được tiêm chủng hoặc đến từ các nước rủi ro Covid-19 đều phải cách ly chỉ định trong 14 ngày như trước.
Bà Ardern cảnh báo tái mở cửa quá sớm trong khi tiêm chủng chưa cao sẽ dẫn đến viễn cảnh biến chủng nCoV bùng phát nghiêm trọng tại đảo quốc Nam Thái Bình Dương. "Nếu chúng ta từ bỏ cách tiếp cận triệt tiêu lây nhiễm quá sớm, chúng ta sẽ không còn đường lui", thủ tướng New Zealand nhấn mạnh.
Độ phủ vaccine Covid-19 tại New Zealand vẫn khá thấp so với những nước thu nhập cao, với khoảng 29% dân số trưởng thành được tiêm ít nhất một mũi và khoảng 17% được tiêm đủ hai mũi. New Zealand vẫn dùng duy nhất vaccine Covid-19 từ Pfizer/BioNTech. Chính phủ Ardern kỳ vọng chương trình tiêm chủng có thể tăng tốc trong vài tuần tới, cho phép mọi cư dân trên 16 tuổi được đăng ký lịch hẹn từ ngày 1/9.
Tái mở cửa đang là nhu cầu cấp thiết đối với New Zealand. Nhiều ngành kinh tế quan trọng và đặc biệt là khu vực y tế đều phụ thuộc vào lao động nhập cư và đang đối diện tình trạng thiếu hụt lao động chuyên môn nghiêm trọng. Tuần này, nhân viên y tế một số bệnh viện đã đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện lao động.
Rob Fyfe, cựu giám đốc điều hành hãng hàng không Air New Zealand, bày tỏ lạc quan trước tín hiệu rõ ràng về ý định tái mở cửa từ nữ Thủ tướng.
"Tôi từng hy vọng kịch bản này diễn ra trước giáng sinh, nhưng với biến chủng Delta, nếu chúng ta mở cửa quá sớm và buộc phải phong tỏa thêm lần nữa, đó sẽ là thảm họa nhìn từ góc độ kinh doanh", ông nhận định.
Để chuẩn bị cho kế hoạch mở cửa từng phần, Fyfe cho rằng New Zealand phải tìm mọi cách hỗ trợ tiêm chủng cho người dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho người lao động nghỉ phép tiêm chủng và tuyên truyền hiệu quả về tầm quan trọng của mã QR truy vết Covid-19.
Chuyên gia ngành du lịch Julia Albrecht, Đại học Otago, đánh giá New Zealand đã thấy "ánh sáng cuối đường hầm", dù chưa biết rõ phải kéo dài các biện pháp đóng cửa chính xác thêm bao lâu. Vị thế "không Covid-19" có thể biến đảo quốc Nam Thái Bình Dương thành điểm đến hấp dẫn cho khách quốc tế, nhưng quy trình nhập cảnh khó khăn và chi phí vẫn là lực cản đáng kể.
Cố vấn chính phủ New Zealand về kế hoạch tái mở cửa, nhà dịch tễ học David Skegg, hoan nghênh bàn Ardern đã lắng nghe giới chuyên gia và chọn chiến lược thận trọng. Nhận thức về mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta, ông lưu ý chính phủ nên cân nhắc điều chỉnh quy định tự cách ly so với những giai đoạn vừa qua.
Trong khi đó, giới chuyên gia y tế đánh giá tốc độ tái mở cửa cần dựa trên tốc độ lan tỏa vaccine đến những cộng đồng dễ bị tổn thương như người Maori hay Pasifika bản địa. Bác sĩ Apo Talemaitoga, chuyên gia sức khỏe người Pasifika, lưu ý cần đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ thiết bị cho những cộng đồng thiểu số nếu muốn mở cửa hiệu quả và an toàn.
Nick Wilson, giáo sư y tế công Đại học Otago, cảnh báo chiến lược tái mở cửa có thể phá sản nếu New Zealand không nhanh chóng tăng độ phủ vaccine. Với tình trạng thiếu hụt nhân lực hiện nay trong ngành y tế, ông lo sợ hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể quá tải nếu biến chủng nCoV bùng phát lây nhiễm.
"Viễn cảnh đó sẽ buộc chính phủ phong tỏa ở cấp độ vùng hoặc cả thành phố rất tốn kém. Tuy nhiên, dù tỷ lệ tiêm chủng cao, vẫn có nguy cơ từ những đợt bùng phát có cả những người đã tiêm chủng", ông nhận định.
Trung Nhân (Theo NYT/Guardian/Financial Times)