Ước tính lượng hàng hóa trị giá hơn 9 tỷ USD đi qua kênh đào Suez mỗi ngày, tức 400 triệu USD mỗi giờ, chiếm 12% giao thương toàn cầu. Thật khó tính toán toàn bộ tổn thất khi thủy lộ dài 193 km này bị tắc nghẽn suốt một tuần qua vì tàu hàng Ever Given mắc kẹt. Nhưng, đây không phải lần đầu tiên, con kênh này bị bịt lối. Từ năm 1967 đến 1975, kênh đào Suez đóng cửa, những thủy thủ đoàn bị mắc kẹt ở đây cùng lập ra một trong những "quốc gia" thu nhỏ kỳ lạ nhất trong lịch sử.
Chiến Tranh Sáu Ngày vào tháng 6/1967 kết thúc, Israel kiểm soát bán đảo Sinai phía bờ đông kênh đào Suez. Để chặn đường, Ai Cập phong tỏa cả hai đầu kênh bằng mìn, xác tàu, đánh sập các cây cầu. Điều này thực sự là một vấn đề lớn với giao thông hàng hải bấy giờ, và đặc biệt khi 14 con tàu đang đi qua kênh đào vào ngày nó đóng cửa.
Dù muốn bất chấp mệnh lệnh của chính phủ Ai Cập để thoát ra khỏi con kênh, các thuyền trưởng cũng lực bất tòng tâm. Thủy thủ đoàn hy vọng những căng thẳng chính trị sớm lắng xuống để có thể thuận lợi rời đi, nhưng tất cả không thể ngờ rằng cuộc chờ đợi kéo dài tới 8 năm.
Giới chức Ai Cập đã hướng dẫn các thủy thủ đoàn neo đậu ở phần rộng nhất của Suez, hồ Great Bitter. Sau ba tháng bám trụ, đội thuyền viên ban đầu được về nhà, nhưng các công ty vận tải biển không muốn bỏ trống những con tàu chất đầy hàng hóa. Do đó, những thủy thủ đoàn luân phiên được điều động tới đây để trông chừng các con tàu, thành lập cộng đồng quốc tế của riêng mình với tên gọi Hiệp hội hồ Great Bitter. Nhưng sau nhiều năm, cát từ sa mạc Sinai gần đó phủ kín boong tàu, những thủy thủ mắc kẹt bắt đầu dùng biệt danh Hạm đội Vàng.
Những con tàu treo cờ Bulgaria, Tiệp Khắc, Pháp, Ba Lan, Thụy Điển, Tây Đức, Anh và Mỹ. 14 thủy thủ đoàn thành lập một "tiểu quốc gia" có hệ thống giao thương riêng, bận rộn tổ chức hàng loạt sự kiện để giết thời gian. Hàng tuần, họ tụ tập đi lễ nhà thờ dựng trên một tàu chở hàng của Đức, xem phim trên tàu Bulgaria và tiệc tùng bên hồ bơi của một con tàu Thụy Điển.
Lấy cảm hứng từ Olympic 1968, các thủy thủ cũng tổ chức Olympic hồ Great Bitter của riêng mình với những cuộc đua bằng thuyền cứu sinh trên kênh, các trận đá bóng trên boong tàu MS Port Invercargill. Thế vận hội mini thu hút sự chú ý của truyền thông trên khắp thế giới. Thủy thủ đoàn của tàu Ba Lan đã trở thành những nhà vô địch, tàu Đức về nhì và thứ ba là Anh.
Vào chủ nhật, những người đàn ông sẽ tập trung trên tàu MS Nordwind để tạo ra những con tem của riêng mình - đồ hiếm được giới sưu tầm tem từ khắp nơi trên thế giới đặt mua. Nhiều bức thư được gửi đi thành công từ Hiệp hội Hồ Great Bitter, dù các con dấu của "tiểu quốc gia" này đều được vẽ tay.
Đến năm 1969, các công ty vận tải biển dần đưa thủy thủ đoàn về nước, đến khi còn lại một đội chủ chốt để bảo trì các con tàu. Năm 1975, khi Ai Cập và Israel gần đạt thỏa thuận ngoại giao, kênh đào Suez được mở lại.
Tuy nhiên, chỉ hai tàu trong Hiệp hội Hồ Great Bitter còn đủ khả năng tự rời khỏi kênh đào là Münsterland và Nordwind. Hai con tàu đã tới Hamburg, Đức vào tháng 5/1975 với hơn 30.000 người chào đón. Hành trình khứ hồi tới Australia của chúng kết thúc sau 8 năm, 3 tháng, 5 ngày.
Toàn bộ đội tàu còn lại đã hư hỏng và cần được kéo đi. "Tiểu quốc gia" cũng chính thức tan rã. Qua 8 năm, hơn 3.000 thủy thủ luân phiên nhau ở trên những con tàu mắc kẹt, với vài người đó là trải nghiệm khó quên nhất trong đời.
Ngày nay, kênh đào Suez là một trong những điểm hút khách du lịch nhất thành phố cùng tên. Du khách đổ xô đến ngắm những con tàu lớn đi lại, khi nhâm nhi đồ uống trong một quán hàng gần cảng Portawfig. Thành phố Suez là một điểm tham quan cho khách đi từ Caro đến Sinai. Trước đại dịch, kênh đào Suez cũng nằm trong hải trình của các du thuyền sang trọng như Holland America, Royal Caribbean...
Anh Minh (Theo Condé Nast Traveler)