Kênh đào Suez được xây dựng từ thế kỷ 19, nối Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương. Tuyến đường này giúp việc vận chuyển hàng hóa giữa châu Âu và châu Á trở nên dễ dàng hơn mà không cần phải đi vòng quanh châu Phi. Sự cố tàu chở hàng 224.000 tấn Ever Given kẹt tại đây làm tắc nghẽn thủy lộ của hơn 100 tàu thuyền cho thấy tầm quan trọng của kênh đào nhân tạo dài 193 km này.
Một thập kỷ xây dựng gian nan
Gần 2000 năm TCN, Pharaoh Senausret III ra lệnh đào một con kênh nối Biển Đỏ với sông Nile và Địa Trung Hải. Khi ra đời, nó giúp tăng tốc độ giao thương giữa Hy Lạp cổ đại, Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Levant, Đông Phi và Ba Tư. Cho đến thế kỷ 19, 1 con kênh mới được đề xuất xây thêm, chia đôi eo đất nối châu Phi và châu Á. Con kênh được thiết kế bởi kỹ sư Ferdinand de Lesseps và xây dựng trên nguồn vốn đầu tư của của Pháp với sự hỗ trợ của Quốc vương Ai Cập Sa'id Pasha.
Dự án mất 10 năm để hoàn thiện và đi vào hoạt động từ tháng 11/1869. Chi phí xây dựng con kênh này ước tính là 200 triệu franc (tương đương 11,6 tỷ euro ngày nay). 1,5 triệu công nhân được huy động cho dự án này, 120.000 người trong số họ đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng vì lao động cực khổ và các bệnh nhiệt đới. Ngày nay, kênh đào Suez rút ngắn hành trình giữa châu Âu và châu Á xuống còn 3 ngày.
Công trình mơ ước của Napoleon
Trước đó, Napoleon cũng muốn xây dựng kênh đào này vì đây là một công trình hợp lý và chiến lược. Khi chinh phục Ai Cập năm 1798, ông đã cử một đội nghiên cứu đến khảo sát để chuẩn bị cho một dự án tương tự. Thật không may, họ đã tính toán sai và lo ngại độ chênh lệch mực nước giữa biển Đỏ và Địa Trung Hải sẽ gây lũ lụt. Vì vậy vị hoàng đế đành gác lại kế hoạch đào kênh.
Nguồn cảm hứng cho tượng Nữ thần Tự do
Nhà điêu khắc Pháp Frédéric-Auguste Bartholdi nảy ra ý tưởng tạo tác một bức tượng lớn để kỷ niệm việc xây dựng kênh đào và trình lên chính phủ Ai Cập và kiến trúc sư Ferdinand de Lesseps. Bức tượng được hình dung là một người phụ nữ mặc trang phục truyền thống của Ai Cập, cầm trên tay một ngọn đuốc nhỏ có tiêu đề "Ai Cập mang ánh sáng đến châu Á". Ý tưởng này lấy cảm hứng từ một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới cổ đại là tượng Thần Mặt trời ở Rhodes, Hy Lạp.
Ngoài ra, nó cũng có mục đích sử dụng thiết thực: hoạt động như một ngọn hải đăng cho tàu bè đi qua. Tuy nhiên, ý tưởng thất bại và Bartholdi tiếp tục kiên trì cho đến khi nó được đưa đến New York với hình ảnh tượng Nữ thần Tự do ngày nay.
14 con tàu đã mắc kẹt trong 8 năm
Năm 1967, 14 tàu chở hàng đang đi qua kênh đào Suez thì Chiến tranh Sáu Ngày nổ ra giữa Israel và các nước Ả Rập láng giềng Jordan, Ai Cập và Syria. Giới chức Ai Cập hướng dẫn các thủy thủ đoàn neo đậu ở phần rộng nhất của kênh đào - hồ Great Bitter. Dù chiến tranh kéo dài vài ngày, những con tàu vẫn mắc cạn ở đó suốt 8 năm tiếp theo. Ai Cập đóng cửa con kênh để ngăn Israel sử dụng nó, chặn bằng các mảnh vỡ, tàu cũ và mìn.
Suốt thời gian mắc kẹt, thủy thủ các tàu đã tạo ra một hệ thống giao thương riêng, tổ chức các sự kiện thể thao để giết thời gian. Qua ba tháng đầu khó khăn, những thủy thủ đoàn ban đầu trên các tàu được phép về nhà, song các công ty vận chuyển không muốn để tàu bị bỏ không. Do đó, các thủy thủ được luân chuyển lên và xuống tàu.
Mỗi con tàu thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt. Tàu vận chuyển hàng hóa Ba Lan đóng vai trò như một bưu điện. Người Anh tổ chức các trận bóng đá. Một con tàu phục vụ như một bệnh viện; một tàu khác trở thành rạp chiếu phim. Vào Chủ Nhật, tàu của Đức tổ chức các dịch vụ "nhà thờ", nhưng thực tế giống những bữa tiệc bia hơn. Bởi người Đức nhận bia miễn phí từ các nhà máy bia ở quê nhà. Đến 1975, những con tàu mới có thể rời đi nhưng chỉ có hai trong số đó còn khả năng di chuyển.
Kênh đào đang ngày càng được mở rộng
Chính phủ Ai Cập quyết định mở rộng kênh đào Suez để giảm thêm khoảng cách. Dự án "Kênh đào Suez mới" trị giá 8,5 tỷ USD bắt đầu từ năm 2015, nhằm đào sâu thêm 24 m cho lòng kênh và mở một lối đi mới dài 21 km ở phần phía bắc của Suez. Theo đó, kênh có thể đủ sâu rộng cho những con tàu 240.000 tấn đi qua. Tuy nhiên, nơi con tàu Ever Given bị mắc kẹt lại nằm ở vùng phía nam kênh đào, và chưa hề được mở rộng theo dự án.
Điểm du lịch chính của thành phố Suez
Kênh đào Suez là một trong những điểm hút khách du lịch nhất thành phố cùng tên. Du khách ngắm nhìn những con tàu lớn đi qua kênh đào khi nhâm nhi đồ uống lạnh gần cảng Portawfig. Thành phố Suez là một điểm tham quan cho khách đi từ Caro đến Sinai. Trước đại dịch, kênh đào Suez cũng nằm trong hải trình của các du thuyền hạng sang như Holland America, Royal Caribbean...
Đi dọc theo kênh đào Suez, du khách sẽ băng qua thành phố Ismailia, chiêm ngưỡng những biệt thự thuộc địa từ thế kỷ 19. Ở phía nam kênh đào, bạn sẽ thưởng ngoạn quang cảnh của thành phố cảng biển Suez, với các nhà thờ Hồi giáo trang trí công phu, những khu vườn của khu phố Ganayen và cây cầu Kênh đào Suez cao vút nối liền châu Phi và châu Á.
Trung Nghĩa (Tổng hợp)