Tại buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề "Thiết lập, nâng cao năng lực y tế doanh nghiệp", ông Trần Việt Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM - nói về khó khăn của doanh nghiệp sản xuất trong 100 ngày giãn cách. Ông cũng trăn trở vấn đề làm sao để mỗi cán bộ, công nhân viên - từ tạp vụ, bốc xếp hàng ở kho cho tới CFO - phải nắm vững các thông tin y tế cơ bản, thích ứng với Covid-19.
Ông Việt Anh đề xuất cần có những tài liệu chính thức, dễ hiểu và phù hợp với đặc trưng từng ngành nghề. Các thông tin cơ bản này sẽ tương tự nội quy của công ty, người lao động có thể đọc trên bảng tin mỗi khi đến nhà máy, công sở. Theo ông, hiện có quá nhiều văn bản liên quan đến y tế, phòng chống dịch của thành phố, Bộ Y tế, ban quản lý khu công nghiệp hay Trung ương... khiến doanh nghiệp khó sàng lọc và ứng dụng đúng.
Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cũng chỉ ra thực trạng các công ty lớn thường có phòng y tế, trong khi những đơn vị vừa và nhỏ hầu như không có. Thay mặt các doanh nghiệp, ông Việt Anh mong Bộ, ngành tư vấn chi tiết về quy mô, nhân sự cho phòng y tế, cần đáp ứng điều kiện gì?
"Theo tôi khảo sát, trong 400 doanh nghiệp sản xuất, chỉ khoảng 30% đơn vị có phòng y tế và có một y sĩ được đào tạo chuyên môn", ông Việt Anh nói. Có công ty bố trí 2-3 điều dưỡng túc trực sẵn vì ngành nghề của họ mức độ rủi ro cao. Bao nhiêu lao động mới cần xây phòng y tế? Với đơn vị trên 200 nhân sự, diện tích bao nhiêu là đủ, số lượng y sĩ, điều dưỡng ra sao và các quy định liên quan là gì...
"Tủ thuốc cơ bản" cũng là vấn đề khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trăn trở, bởi hiện có quá nhiều loại thuốc trị Covid-19. Nhà nước cần ban hành một số thuốc cần thiết và có văn bản hướng dẫn sử dụng cụ thể khi người lao động có triệu chứng bệnh. Trường hợp F0 điều trị tại nhà máy sẽ uống loại nào và F1 cần bổ sung gì, lưu ý ra sao?
Trước băn khoăn của ông Việt Anh và các doanh nghiệp trên cả nước, PGS, TS Phạm Đức Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - dẫn lại Nghị định 39/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó khoản 1 điều 37 nêu rõ tổ chức bộ phận y tế.
Với những cơ sở doanh nghiệp thuộc ngành nghề chế biến, bảo quản thủy sản, khai khoáng, dệt, may, da, giày, sản xuất than cốc, hóa chất, sản phẩm từ cao su và plastic, tái chế phế liệu, vệ sinh môi trường, kim loại, đóng và sửa chữa tàu biển, vật liệu xây dựng... người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận y tế tại cơ sở bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau:
- Doanh nghiệp dưới 300 lao động phải có ít nhất một người làm công tác y tế có trình độ trung cấp.
- Đơn vị 300-500 người phải đảm bảo ít nhất một bác sĩ/y sĩ và một người làm công tác y tế có trình độ trung cấp.
- Công ty 500-1.000 nhân sự phải có một bác sĩ và mỗi ca làm việc phải có một người làm công tác y tế có trình độ trung cấp.
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 1.000 lao động trở lên phải thành lập cơ sở y tế theo hình thức tổ chức phù hợp quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Về tiêu chuẩn kỹ thuật, Nghị định 155 năm 2018 sửa đổi bổ sung có nói rõ điều kiện thành lập các trạm y tế, phòng khám diện tích như nào, trang thiết bị ra sao, tủ thuốc, cán bộ y tế...
Bên cạnh đó, nghị định 420 của Bộ trưởng Y tế đã nói rõ từ 100 F0 trở lên, cần thiết lập một trạm y tế lưu động. Từ tháng 8, mô hình này đã triển khai và đạt một số kết quả khả quan. Có những trạm y tế lưu động điều trị 200-300 F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia) - chỉ ra hai nhóm vấn đề: đầu tiên làm thế nào để phòng ca nhiễm nCoV tại doanh nghiệp và khi phát hiện F0, họ cần làm gì? Thứ hai là sự rối loạn về mặt văn bản chính sách, các doanh nghiệp không biết phải làm việc với ai hay hướng dẫn nào cập nhật chính xác nhất.
Tiến sĩ Thu Anh cho rằng vấn đề đầu tiên có thể giải quyết được. Hiện TP HCM có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất cả nước, số lượng tiêm mũi một đạt gần 100%, mũi hai gần 80%. Trường hợp người lao động bị nhiễm Covid-19, khả năng trở nặng, đi cấp cứu là rất thấp.
Trong bối cảnh này, đầu tiên các doanh nghiệp cần biết cách sàng lọc, điển hình là đo nhiệt độ và nắm bắt triệu chứng, kiểm soát người lao động có tiếp xúc với F0 bên ngoài. Tiến sĩ Thu Anh kiến nghị doanh nghiệp sử dụng hệ thống PC-covid đăng nhập mã code và yêu cầu nhân viên kê khai trung thực.
Doanh nghiệp cần có cách ứng xử với những người ho, sốt và cả người không có triệu chứng này. Trường hợp có dấu hiệu, cần cách ly tại nhà và doanh nghiệp phải có năng lực tự xét nghiệm, Bộ Y tế đã hướng dẫn cụ thể qua văn bản, hiện thực hóa qua video. Khi xét nghiệm hai lần âm tính, các nhân sự có thể đi làm.
Nếu phát hiện F0 trong doanh nghiệp, ban lãnh đạo cần thực hiện hướng điều trị F0 tại nhà của Bộ Y tế, phải biết cách đo nồng độ oxy trong máu (SpO2), hỗ trợ người lao động kết nối với cơ sở y tế.
Trường hợp quá nhiều F0 ở các khu công nghiệp 10.000, 20.000 công nhân, nếu không thể chuyển đến các cơ sở y tế chữa trị, các nhà máy cần trang bị một số dụng cụ cơ bản. "Với tôi, máy đo SPO2 quan trọng nhất vì giúp chúng ta xác định F0 này nhẹ, không cần can thiệp gì; hoặc F0 này nặng, nên sớm đến cơ sở y tế", Tiến sĩ, bác sĩ Thu Anh nói.
Nếu đã có máy SPO2, bộ phận y tế doanh nghiệp có thể đo theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Dưới 96% mới phải can thiệp và trên 96% chỉ cần ở nhà, uống thuốc giảm ho và hạ sốt nếu có triệu chứng liên quan.
Về vấn đề rối loạn thông tin, cách ứng xử, Tiến sĩ Thu Anh kiến nghị hiệp hội doanh nghiệp có thể thành lập các nhóm và mời các chuyên gia y tế tớ hỗ trợ, tập hợp các thông tin mới nhất và truyền tải một cách đơn giản, dễ hiểu nhất.
Hiếu Châu