Tại buổi tư vấn trực tuyến cùng chuyên gia do VnExpress tổ chức hôm 31/10, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia) - cho rằng "năng lực y tế trong doanh nghiệp" là bài toán khó, cần sớm có lời giải, nhất là khi cuộc sống dần trở lại bình thường và hoạt động kinh doanh, sản xuất tái khởi động.
Để thích ứng an toàn với Covid-19, hiệu quả cả trong ngắn hạn lẫn lâu dài, tự thân doanh nghiệp phải chủ động hơn trong việc cải thiện, thiết lập và học hỏi kinh nghiệm để xây dựng các mô hình y tế mới. Tiến sĩ, bác sĩ Thu Anh chỉ ra năm yếu tố cơ bản giúp các công ty tăng năng lực y tế:
Đầu tiên, doanh nghiệp cần hiểu rõ nguy cơ lây lan và bùng phát dịch tại địa phương - nơi đơn vị mình "đóng quân" - cũng như nguy cơ tiềm ẩn dịch trong nội bộ công ty. Để hiểu điều này, doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi các số liệu dịch bệnh tại tỉnh, thành của mình, hiểu được tính chất công việc liên quan đến nguy cơ lây nhiễm với người lao động.
Tiến sĩ Thu Anh cho rằng ban lãnh đạo phải nắm rõ nhân sự của mình đang sinh sống hay thuê nhà tại đâu; tiếp xúc với bên thứ ba nào (tức đơn vị khác ngoài công ty hoặc nơi họ ở); các thói quen và hành vi của người lao động có liên quan đến việc lây nhiễm?
"Khi có kiến thức và năng lực đánh giá định kỳ nguy cơ này, chúng ta có thể phản ứng kịp thời, hạn chế tối đa tác động của Covid-19 với hoạt động sản xuất kinh doanh", Tiến sĩ, bác sĩ Thu Anh nói.
Thứ hai, doanh nghiệp phải có năng lực dự phòng virus lây lan. Tức là phải biết cách làm thế nào để nơi làm việc, công ty luôn thông thoáng khí; chia nhóm người lao động nhằm giảm nguy cơ tiếp xúc.
Theo chuyên gia, đội sản xuất không nên tiếp xúc với bộ phận vận tải, kho bãi để tránh lây lan nCoV từ nhóm này sang nhóm khác. Mọi công ty phải áp dụng các biện pháp quan trọng như: đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách tối đa...
Thứ ba, doanh nghiệp cần sớm phát hiện ca bệnh, lập tức cách ly và chữa trị, hạn chế các tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, người quản lý phải giám sát chặt chẽ các hoạt động dự phòng nguy cơ lây lan, phát hiện sớm ca bệnh được thực hiện đúng quy định hay chưa.
Điểm cuối cùng, doanh nghiệp cần hiểu rõ các quy định pháp luật, cần phải làm gì để phòng chống dịch, điển hình như: Quyết định 2194 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 hoặc các hướng dẫn 5522 của Bộ Y tế trực tiếp liên quan đến khối doanh nghiệp.
Khi hiểu rõ những vấn đề trên, doanh nghiệp cần thành lập ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, trong đó có bộ phận y tế. Với trường hợp người lao động chưa tiêm đủ vaccine, Tiến sĩ Thu Anh nhấn mạnh: "Bộ phận y tế này cần phải có năng lực dự phòng và phát hiện sớm ca bệnh, cấp cứu kịp thời".
Khi mọi nhân sự đã tiêm đủ hai mũi vaccine, mọi chuyện có phần đơn giản hơn. Dù lây nhiễm vẫn xảy ra nhưng giảm đáng kể. Kể cả khi nhiễm bệnh cũng nhanh khỏi hơn, giảm tải cho hệ thống y tế nói chung.
"Tóm lại, việc xây dựng, thiết lập, nâng cao năng lực y tế cần tùy theo giai đoạn của dịch và tốc độ tiêm phủ vaccine. Tuy nhiên nhìn chung, doanh nghiệp nên có riêng bộ phận y tế hoặc liên kết với hệ thống bệnh viên để ứng phó với dịch", Tiến sĩ, bác sĩ Thu Anh kết luận.
Chương trình tư vấn chuyên gia số đầu tiên với chủ đề "Thiết lập và nâng cao năng lực y tế doanh nghiệp" nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - ViEF 2021, do VnExpress và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp tổ chức. Nội dung thảo luận xuyên suốt ViEF 2021 là "giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế Việt Nam và một số ngành, lĩnh vực trọng tâm giai đoạn 2021-2025, định hướng tới 2030". Diễn đàn được tổ chức gồm nhiều kì đối thoại, thảo luận, là lời hiệu triệu, tập hợp của cả hai khu vực công - tư để phát triển nền kinh tế có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư vượt khó do dịch bệnh, tạo sức bật trong giai đoạn mới...
Hiếu Châu