Khi nhiều tỉnh thành nới lỏng giãn cách, quay lại cuộc sống bình thường mới, các doanh nghiệp lập tức tái khởi động, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất với mong muốn vực lại công ty, bù đắp thất thoát. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phải đối mặt thách thức về nhiều mặt.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên BCH Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) - nói điều đáng lo nhất của các đơn vị điện tử là thiếu lao động, trong khi đơn hàng nhiều.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy: nhân lực trong lĩnh vực điện tử thiếu nhiều nhất, đặc biệt là doanh nghiệp phía Nam. Tỷ lệ nhân sự quay lại làm việc thấp.
"Lĩnh vực này không dễ tuyển lao động tạm thời và hầu hết nhân sự trong thời gian làm việc đều đã qua đào tạo nghiêm ngặt. Do đó, doanh nghiệp điện tử rất mong đối tượng có kinh nghiệm, đã được đào tạo bài bản quay trở lại", bà Thúy Hương nói.
Bà cũng kiến nghị cơ quan chức năng cho phép doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ đào tạo lại cho người lao động và để họ tự triển khai việc đào tạo, kịp thời đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) - cho rằng một trong những việc cần thiết nhất bây giờ là đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Khảo sát của Hiệp hội gỗ Bình Định - nơi có 100.000 công nhân viên trở về từ các tỉnh, thành phía Nam - cho thấy, có tới 75% nhân công có nguyện vọng trở lại nơi cũ làm việc.
Kết quả khảo sát của công ty Phú Tài (Đồng Nai) cũng cho kết quả tương tự, 80% công nhân đã về miền Tây muốn quay lại công ty. Điều này cho thấy có tình trạng người lao động sang chấn tâm lý do đại dịch, nhưng không đến mức lo ngại. Khi tâm lý ổn định, họ có xu hướng quay lại công việc quen thuộc. Do đó, doanh nghiệp ngành gỗ không quá lo lắng với bài toán lao động.
Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp gỗ quan tâm, mong muốn nhất là chính quyền trung ương, địa phương nhanh chóng tiêm phủ vaccine, hỗ trợ về y tế, tạo không gian sống chung với dịch một cách an toàn. Họ cũng mong được tạo điều kiện đi lại, dịch chuyển con người, hàng hóa thuận tiện... nhằm khôi phục sản xuất. Tùy theo năng lực, các doanh nghiệp sẽ có chính sách về an sinh để thu hút người lao động.
Ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh cần có cách nhìn nhận cởi mở hơn, phù hợp trong việc duy trì mức độ chống dịch ở các địa phương, không phản đối cứng nhắc việc áp dụng "ba tại chỗ" hay một cung đường, hai điểm đến...
"Nên để doanh nghiệp tự áp dụng mô hình phù hợp với tình hình đặc thù của công ty họ và địa phương", ông Lập nói thêm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Dệt may Việt Nam - không cổ súy cho "ba tại chỗ" vì tốn nhiều chi phí, không hiệu quả. Tuy nhiên, bà cho rằng trong giai đoạn khó khăn vừa qua, không ít doanh nghiệp rút ra một số kinh nghiệm quý gồm: xử lý F0; tạo niềm tin cho nhãn hàng và cả người lao động là công ty vẫn cố gắng duy trì hoạt động; cải thiện quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn khi thiếu nhân sự...
Theo bà Tuyết Mai, vấn đề lao động trở lại làm việc phụ thuộc nhiều yếu tố: doanh nghiệp họ từng đầu quân có quan tâm đến nhân viên trong lúc nhà máy tạm ngưng sản xuất không; về nhà chỉ là tạm thời, nghỉ ngơi một thời gian (họ chỉ ở lại quê khi nơi đây có nhà máy hay xin được việc khác); doanh nghiệp lẫn chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ đưa người lao động quay lại nhà máy (phương tiện giao thông, vaccine, nhà ở...)...
"Cần thực hiện càng nhanh càng tốt gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động của Chính phủ", bà Tuyết Mai kết luận.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) - nhận định doanh nghiệp từng thực hiện "ba tại chỗ" sẽ thuận lợi hơn các đơn vị chưa áp dụng mô hình này khi tái mở cửa, sản xuất. Nhờ có kinh nghiệm, doanh nghiệp sẽ thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết tốt hơn và có thể xử lý nhanh các trường hợp F0 phát sinh.
Theo ông Chánh Phương, hai vấn đề ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp hiện nay là tay nghề người lao động, an sinh.
Ông lý giải đa phần nhân sự được doanh nghiệp đào tạo, đôi khi ở một mức nhất định, chưa tạo ra đột phá về năng suất, vì thế cần tái cơ cấu lao động. Còn vấn đề an sinh, cần phải có chính sách nhà ở cho nguồn nhân lực này.
Vừa qua, TP HCM đã công bố chính sách về nhà ở cho người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước cùng chung tay giải quyết. Đây cũng là vấn đề phải giải quyết trung hạn và dài hạn.
Với mong muốn giúp cộng đồng doanh nghiệp xác định được hướng đi tối ưu trong đại dịch, trụ vững, thích ứng an toàn và bứt phá trong bối cảnh nhiều thay đổi và thách thức, VnExpress tổ chức buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề "Thiết lập, nâng cao năng lực y tế doanh nghiệp", phát 14h ngày 31/10 trên Fanpage VnExpress.
Tham gia toạ đàm có PGS. TS Phạm Đức Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - đơn vị chủ trì và đi đầu trong công tác thành lập, triển khai mô hình trạm y tế lưu động tại TP HCM và các tỉnh phía Nam; Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia).
Phía hiệp hội, doanh nghiệp có sự góp mặt của ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM; ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM; ông Lê Đình Hội - Tổng Giám Đốc Công ty QSR Việt Nam... Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) - dẫn dắt chương trình.
Độc giả quan tâm có thể đặt câu hỏi cho chuyên gia dưới bài viết.
Hiếu Châu