BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết virus sởi có thể gây rối loạn tiêu hóa dẫn tới biến chứng tiêu chảy, gặp ở giai đoạn khởi phát của bệnh hoặc sau khi hết sốt, giảm dần ban sởi.
Ngược lại, tiêu chảy kèm các dấu hiệu sốt cao, phát ban, có thể gợi ý bệnh sởi. Tuy nhiên, các dấu hiệu sốt cao, tiêu chảy khó có thể phân biệt với các bệnh như ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường tiêu hóa khác... Việc này có thể khiến người nhà bệnh nhân chủ quan, không điều trị kịp thời dẫn tới bệnh nặng nề hơn.

Trường hợp trẻ mắc sởi nặng, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM. Ảnh: Lê Phương
Theo bác sĩ Phương, tiêu chảy cấp là biến chứng thường gặp ở trẻ mắc sởi. Trung tâm kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) thống kê cứ 10 trẻ mắc sởi có một trẻ bị biến chứng tiêu chảy cấp. Tại Việt Nam, một nghiên cứu cắt ngang mô tả được tiến hành trên 719 trẻ em dưới 16 tuổi điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ 1/1 đến 31/12/2019, tiêu chảy là biến chứng phổ biến thứ 2, chiếm 29,35% sau biến chứng phổ biến nhất là viêm phổi, chiếm 72,46%. Nhóm chưa tiêm vaccine có tỷ lệ biến chứng cao hơn. Tương tự, nghiên cứu trên 158 trẻ em điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ năm 2019-2021, cũng cho thấy tiêu chảy là biến chứng có tỷ lệ cao thứ hai, chiếm 20,9% ca sởi.
Tiêu chảy kéo dài dễ gây ra mất nước và các chất điện giải quan trọng như natri, kali, clorua, giảm thể tích máu, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh. Trẻ biểu hiện trũng mắt, miệng khô, tiểu ít, khóc không có nước mắt... Nếu không được bù nước đúng cách, kịp thời, trẻ có thể bị mất nước và rối loạn điện giải dẫn đến sốc, suy thận, trụy tim mạch và tử vong.
Trẻ bị tiêu chảy kéo dài hoặc nghiêm trọng có thể gây tổn thương niêm mạc ruột và ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, sụt cân, lâu dài gây giảm khả năng miễn dịch, chậm phát triển và các vấn đề về tiêu hóa. Ngoài ra, tình trạng đi ngoài kéo dài khiến hệ thống miễn dịch suy yếu, dẫn tới điều trị kéo dài và khó khăn, giảm tỷ lệ thành công.
Bác sĩ Phương khuyến cáo khi trẻ tiêu chảy do sởi, phụ huynh nên cho trẻ uống nước hoặc bú nhiều hơn để phòng mất nước, có thể dùng dung dịch Oresol và các khoáng chất cần thiết như kẽm theo hướng dẫn của bác sĩ. Hàng ngày, trẻ cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng với thức ăn chế biến loãng, dễ ăn, bữa ăn được chia nhỏ. Gia đình tránh cho trẻ dùng nước giải khát, nước ngọt có ga.
Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường, tiêu chảy ở mức độ nghiêm trọng, phụ huynh cần đưa đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời. Ví dụ trẻ đau bụng dữ dội, đi ngoài phân lỏng trên 2 giờ/lần, nôn mửa nhiều, kéo dài, có dấu hiệu mất nước như khóc không có nước mắt, môi khô, da khô, sốt cao liên tục, không hạ nhiệt sau khi dùng thuốc hạ sốt, khó thở, thở mệt...
Thời gian qua, Việt Nam ghi nhận bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Hà Nội ghi nhận hơn 700 ca sởi kể từ đầu năm, tăng so với cùng kỳ 2024, trong đó tuần từ 28/2 đến 7/3 ghi nhận 120 ca nhiễm mới. TP HCM có 226 ca sởi trong tuần 24/2 đến 2/3, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu năm lên hơn 1.000.

Trẻ nhỏ tiêm vaccine tại một trung tâm tiêm chủng của VNVC. Ảnh: Hữu Thuận
Theo bác sĩ Phương, 90-100% trường hợp không có miễn dịch với sởi, sẽ lây nhiễm khi tiếp xúc người bệnh. Ở nhóm trẻ nhỏ, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, kháng thể thụ động truyền từ mẹ giảm dần theo thời gian, vì vậy rơi vào nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao cũng như dễ bị biến chứng nặng và tử vong.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh ảnh hưởng chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi, cũng có thể gặp ở nhóm tuổi lớn hơn và người lớn chưa có miễn dịch.
Để phòng bệnh sởi và các biến chứng do sởi, gia đình dặn trẻ tránh tiếp xúc người có biểu hiện bệnh, đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm sởi. Trẻ em và người lớn trong gia đình cần rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa mầm bệnh lây lan. Chế độ ăn uống cần đủ dinh dưỡng, bổ sung thực phẩm giàu kẽm, vitamin C, D vì tác dụng tích cực đến hệ miễn dịch. Trẻ nên vận động, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc.
Nhà trường phòng sởi cho học sinh bằng cách thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập, vệ sinh lớp học, bàn ghế, sân chơi. Khi trẻ có các biểu hiện sốt, ho, phát ban, viêm kết mạc, viêm mũi họng... cần thăm khám ngay để được điều trị đúng cách, đồng thời cho trẻ nghỉ học đến khi hết bệnh.
Biện pháp phòng sởi hiệu quả nhất được ngành y tế khuyến cáo là cho trẻ tiêm chủng đúng lịch, đầy đủ. Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine sởi cho trẻ em và người lớn, tiêm từ 9 tháng hoặc 12 tháng tuổi: mũi sởi đơn MVVAC (Việt Nam); loại phối hợp sởi - rubella (MRVAC), loại phối hợp 3 trong 1 sởi - quai bị - rubella Priorix (Bỉ); loại phối hợp sởi - quai bị - rubella MMR II (Mỹ).
Vaccine sởi có thể tiêm từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi tại khu vực có nguy cơ cao, vùng đang có dịch sởi. Đây là vaccine sởi mũi 0, giúp bảo vệ trẻ trong giai đoạn "khoảng trống miễn dịch" trước khi bước vào lịch tiêm cơ bản từ 9 tháng.
Hoàng Thọ - Diệu Thuần
Trước tình hình dịch sởi tăng lên tại nhiều địa phương, Hệ thống tiêm chủng VNVC thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi tại khu vực có nguy cơ cao. VNVC đang có đầy đủ các loại vaccine sởi và các loại vaccine phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus, thương hàn, tả, viêm gan A cho trẻ. Trong đó, vaccine phòng Rotavirus có 3 loại gồm Rotarix (Bỉ), Rotateq (Mỹ) và Rotavin (Việt Nam). Các vaccine được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần tuổi và có giới hạn uống đến trước 32 tuần tuổi. Phụ nữ cần tiêm vaccine sởi trước khi có kế hoạch mang thai ba tháng, bảo vệ thai kỳ, truyền kháng thể thụ động cho con trong những tháng đầu đời.