Những tin nhắn điều động bất ngờ kiểu này đã quen thuộc với nhóm của anh Phúc khoảng một tuần nay khi những đoàn người về quê bằng xe máy lại xuất hiện. "Những người bây giờ mới trở về đều có dáng vẻ khắc khổ, tiều tụy", ông chủ 48 tuổi của doanh nghiệp xã hội Phúc Vạn Phúc nói.
Hôm 26/9, biết có đoàn người đang trên đường ra Bắc, dừng chân trên đỉnh đèo Hải Vân, anh Phúc quyết định mang chút thức ăn lên tiếp sức cho họ.
Từ trung tâm Đà Nẵng lên đỉnh đèo mất gần 30 phút. Sợ đoàn người rời đi trước, anh gọi cho một thành viên trong nhóm thiện nguyện của mình sống ở chân đèo mang nước, sữa và xăng lên trước để giữ chân họ.
Trên khoảng đất trống của đỉnh đèo, những chiếc bánh mỳ kẹp thịt được bày ra trên bàn để mọi người đến lấy, trong khi nhóm của anh Phúc chia nhau rót xăng từ những can lớn vào đầy bình xe máy hay chai, can mà họ mang theo.
Đoàn đầu tiên có 50 người dân tộc thiểu số, chỉ một người thạo tiếng Kinh. Họ đi làm thuê ở Bình Phước, đã cố trụ lại sau mấy tháng thất nghiệp, giờ không thể tiếp tục nên tìm đường về quê Nghệ An.
"Thương nhất là những bé con nít cũng theo ba mẹ trên những chiếc xe không thể nào cũ hơn, bất chấp nguy hiểm để hồi hương", anh Phúc nói.
Từ hôm đó, nhóm của anh Phúc bắt đầu kết nối với các chốt kiểm soát dịch ở Đà Nẵng để chuẩn bị đồ tiếp tế. Tuy vậy, thời gian từ khi được báo tin, chuẩn bị, di chuyển lên đến đỉnh đèo mất ít nhất 45 phút nên không ít lần khi nhóm lên tới nơi, đoàn người đã đi mất.
Bình thường, nhóm chỉ tiếp sức người về quê trên đỉnh đèo khoảng 30 phút rồi rời đi. Nhưng có những đoàn đi vào ban đêm, thấy có nhiều em bé và phụ nữ mang thai nên nhóm chủ động dẫn đường họ vượt đèo an toàn, đến địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế mới quay lại.
Mấy hôm nay, anh Đoàn Nhật Tiến, 41 tuổi, một thành viên của nhóm đã kết nối với cán bộ trực các chốt ở Quảng Nam để nắm thông tin sớm hơn, có thêm thời gian chuẩn bị thức ăn, mang lên đèo chờ sẵn.
Ông Nguyễn Văn Hùng, trưởng chốt kiểm soát dịch huyện Núi Thành, Quảng Nam, cho biết mấy tháng trước các tỉnh phía Nam thực hiện chỉ thị 16, tình trạng người dân rời địa phương không nhiều. Tuy nhiên, đến giữa tháng 9, một số tỉnh như Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu... nới lỏng giãn cách, dòng người hồi hương từ miền Nam ra bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.
Chiều 2/10, anh Phúc nhận được tin nhắn từ chốt Quảng Nam báo tin có một đoàn 280 người đang dừng ở địa phận tỉnh này để khai báo y tế. Dự kiến, 3h sáng, đoàn sẽ có mặt ở đỉnh đèo Hải Vân. Anh Phúc lập tức nhờ một bếp ăn thiện nguyện nấu súp nóng để tặng đoàn lót dạ. Trước đó, sữa cho trẻ em và nước suối luôn được nhóm mua, sẵn sàng tiếp tế bất cứ lúc nào.
Đêm đó lên đỉnh đèo cả nhóm mới phát hiện ở đó không có ánh sáng, khoảng đất trống cũng không đủ chỗ cho 280 người, trong khi vẫn còn nhiều xe container di chuyển qua đèo, rất nguy hiểm. Anh Phúc quyết định chuyển sang đón họ ở bên kia đèo, thuộc khu vực trạm kiểm soát dịch tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đoàn người mắc mưa trên đường đi nên đã đuối sức, gần sáng mới tới nơi. Hơn một nửa bị tụt lại phía sau.
Dù biết là "ngớ ngẩn", nhưng anh Phúc thường hỏi thăm những người về quê "Tại sao anh, chị lại quyết định về vào lúc này?". Hầu hết những câu trả lời anh nhận lại đều giống nhau "Chúng tôi không còn tiền, không thể ở lại được nữa".
Anh Phúc không nhớ những ngày qua đã hỗ trợ được bao nhiêu đoàn. Có những ngày họ phải lên đèo ba lần.Nhưng anh vẫn thấy sự hỗ trợ của nhóm với bà con "không thấm vào đâu" vì chặng đường phía trước còn quá dài, nhiều người phải về tận Lũng Cú, Hà Giang.
"Đường còn dài, tôi mong hành trình của họ sẽ có thêm nhiều tấm lòng khác tiếp sức", anh Phúc chia sẻ.
Diệp Phan