Cách nhau vài phút, Luân qua được chốt Đồng Nai, còn 5 nữ đồng hương bị bắt quay đầu. Chiếc xe chở Luân vẫn tiếp tục chạy theo quốc lộ 1A về hướng Bình Thuận nhưng lần này không qua được chốt.
Trưa 12/9 cả nhóm tụ về siêu thị như cũ, gần tối di chuyển ra bến xe Dầu Giây, nơi họ gặp 7 người quê Quảng Trị và Nghệ An. Tất cả chấp nhận cùng nhau lên thùng xe đông lạnh. Đêm đó, khi tổ tuần tra trạm CSGT Hàm Tân, Bình Thuận phát hiện họ, một số đã bắt đầu khó thở.
"Ở lại không chết vì bệnh cũng chết vì đói", Nguyễn Văn Luân, 28 tuổi, ở Can Lộc, Hà Tĩnh, nói về lý do về quê theo cách này.
Đại dịch khiến Luân, một công nhân xây dựng, mất việc từ đầu tháng 7. Không đi làm, không thu nhập, nhóm của anh vẫn phải tốn tiền phòng trọ mỗi người hơn một triệu đồng và tiền ăn uống. Một tháng nằm nhà chờ chủ trả lương, họ chỉ ăn mỳ tôm.
Ngày 30/7, nhóm 7 người đồng hương của Luân từ Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương rủ nhau chuyển xuống phòng trọ người quen ở Thủ Dầu Một vì dưới này có gạo, rau cháo cùng ăn. "Chúng tôi đi còn vì để rút ngắn quãng đường ra quốc lộ 1A, từ đây bắt xe về quê dễ hơn", Luân nói.
Đêm 15/8, TP HCM tiếp tục ra chỉ thị "ai ở đâu ở yên đó" trong một tháng. Sớm hôm sau, nhóm của Luân mượn xe máy của những người đã về quê, hòa vào dòng người rời khỏi vùng dịch. Để tăng khả năng qua chốt, họ chọn đi quốc lộ 14, thay vì 1A. Nhưng đến Bình Phước họ bị bắt quay đầu.
Cuối tháng 8, họ thuê một xe tư nhân chở ra quốc lộ 1A để đón xe về quê, nhưng lần này chạy được 20 km đã phải quay lại. Những ngày sau đó, họ liên tục liên hệ các hội nhóm từ thiện, hội đồng hương, ra ủy ban nơi đang tạm trú, kết hợp với người thân ở quê đăng ký để được về.
Đến lần thứ tư, cả nhóm quyết định làm liều. Không ai còn tiền, phải nhờ người thân ở quê chuyển tiền vào tài khoản, dự tính 5,5 triệu đồng mỗi người tiền xe và vài triệu đồng tiền phí cách ly nếu về được tỉnh nhà.
Khi đại dịch bùng nổ, câu chuyện lao động di cư tìm cách về quê hay mắc kẹt trong các vùng bị phong tỏa giống như Luân từng xảy ra ở nhiều quốc gia. Báo cáo "Nhiễm bệnh hay chết đói" của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tháng 4/2020 cho biết có tới 1,6 trong 2 tỷ lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), hành động trốn trong thùng xe đông lạnh về quê phản ánh tâm lý bị mắc kẹt của người lao động di cư. "Họ phải lựa chọn một trong hai phương án, một bên là sức chống chịu cạn dần tại đô thị trong dịch bệnh kéo dài, với một bên quê hương - mối dây liên kết về mặt tinh thần", ông Lộc nói.
Kết quả khảo sát công bố đầu tháng 6 của Social Life, cho thấy gần 60% lao động di cư phải cắt giảm chi tiêu, gần 30% sử dụng tới các khoản tiết kiệm và 13% vay mượn sống qua ngày trong đại dịch.
Từ đầu tháng 7, hàng nghìn lao động ngoại tỉnh bắt đầu rời khỏi miền Nam bằng tàu hỏa, xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ hàng trăm km để về quê. Hồi hương đồng nghĩa phí sinh hoạt rẻ hơn và họ có thể được người thân giúp đỡ.
Luân là một trong số khoảng 230.000 lao động di cư có mặt tại TP HCM. Bình thường, họ là nguồn lao động giá rẻ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Nhưng trong Covid-19, khi mất việc làm, mất thu nhập và tìm cách rời khỏi vùng dịch, họ bị dư luận gọi là những người "không tuân thủ chính sách chống dịch, mang virus về quê nhà". Nguyễn Văn Luân kể, khi nhóm của anh vừa đặt chân đến đất quê hương, một ai đó đã nói "bọn bay làm khổ chúng tao".
"Tim tôi nhói lên", anh nói.
Không có hỗ trợ từ gia đình như nhóm của Luân, nhiều người khác chấp nhận mắc kẹt với điều kiện dưới ngưỡng sinh tồn. Tại xóm trọ võng ở Bình Trị Đông B, Bình Tân, hiện có 18 người đang tá túc nhưng chỉ có 10 người còn khả năng trả tiền thuê võng 20.000 đồng một ngày. Dẫu vậy, họ vẫn may mắn hơn 60 người phải rời đi nơi khác để đảm bảo giãn cách, đa phần không có tiền thuê trọ.
"Hầu hết đã cắm xe, cắm chứng minh thư, điện thoại. Chỉ có vài người gia đình ở quê thi thoảng gửi qua tài khoản của tôi ít tiền cầm cự", chủ quán, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết.
Mắc kẹt kéo dài, những lao động ngoại tỉnh này tìm cách ra đường kiếm cái ăn. Sẩm tối ngày 18/9, bà Nguyễn Thị Hà, quê Hà Tĩnh trở về xóm trọ sau một ngày lẻn ra ngoài nhặt ve chai. Bà cho biết hôm nay nhiều người thương cho đồng nát, bà kiếm được 120.000 đồng, "mới trả được 6 buổi tiền trọ, vẫn đang còn nợ".
Chồng mất đã 18 năm, bà Hà nuôi hai con. Ba năm trước, bà một mình vào Sài Gòn bán hàng rong, lượm đồng nát. Suốt 3 tháng qua, bà hầu như không kiếm được đồng nào, thường xuyên khất nợ chủ trọ. Khó khăn nhất là từ tháng 7, người phụ nữ này không còn kiếm được cả cái ăn, nhiều bữa phải ăn nhờ của người khác. Khổ quá, nhớ quê, nhớ con, bà muốn về mà không có tiền. "Nhưng một nửa tôi không muốn về. Trên người tôi không có một thứ gì cả", bà nói.
Khác với bà Hà, ông Nguyễn Văn Sơn, 59 tuổi, quê Cà Mau tha thiết về quê. "Từ lúc bệnh phổi tái phát hồi tháng 6, tôi đã muốn về quê rồi mà đăng ký mãi chưa có chuyến", người đàn ông từng làm bảo vệ cho một phòng khám ở quận 3, chia sẻ.
Ông không thể trốn ra ngoài kiếm ăn như vài người khỏe trong xóm, chỉ trông chờ vào tiền người thân ở quê gửi lên. Hàng ngày ông và vài người ốm yếu khác đứng trong rào sắt nhìn ra ngoài, ngóng xe từ thiện. Khi thấy xe gần đến, ông leo qua rào chắn sang làn đường bên kia để xin. Nhận được gạo, được bánh mỳ, được rau... ông ôm ngực vì tức thở.
Tại xóm võng vẫn còn những hoàn cảnh khó hơn cả họ. Bà Vân 54 tuổi, quê Cà Mau, không con cái, sống bằng nghề bán vé số, chưa giãn cách đã thường xuyên thiếu nợ tiền võng. Ông Tô Hùng, quê Tây Ninh đang bị xuất huyết não, thoát vị đĩa đệm, chiếc xe máy là tài sản duy nhất đã phải bán chữa bệnh. Cả hai người được chủ trọ cưu mang vài tháng nay.
Đầu tuần này, TP HCM thông qua gói hỗ trợ 7.300 tỷ đồng, ưu tiên lao động tự do và các hoàn cảnh khó khăn. Trước đó, thành phố đã triển khai hai gói an sinh gần 1.800 tỷ đồng, bên cạnh gói 26.000 tỷ đồng triển khai chung cả nước. Thành phố cũng cấp 14.000 tấn gạo đợt một, hơn 2 triệu túi an sinh cho người dân.
Trong các đợt cứu trợ này, thành phố đã cải thiện thủ tục để người lao động dễ và nhanh nhận được hỗ trợ. Tuy nhiên, theo Phó giáo sư Nguyễn Đức Lộc, các gói cứu trợ vẫn chưa đủ bao phủ và chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng điển hình là ở TP HCM, lao động di cư bị thiếu ăn hoặc tìm đường trở về quê mang theo virus.
"Việc hỗ trợ người di cư không chỉ vì lý do nhân đạo, đảm bảo ổn định xã hội mà còn đảm bảo nguồn lao động cho thành phố sau đại dịch", ông Lộc nói.
Chuyên gia cũng cho rằng chính quyền tại quê nhà cần thể hiện trách nhiệm xã hội của quê hương với những đóng góp của của lao động di cư.
Sau một ngày ra ngoài hôm 18/9, bà Hà còn mang về được 4 hộp cơm bộ đội cho. Bà góp cùng mọi người trong xóm. Bốn tháng qua, nếu không nương tựa vào nhau có lẽ đã có người trong số họ chết đói.
Trong khu cách ly tại quê nhà, Luân và 7 bạn cho biết đã không còn bất an nữa, nhưng họ lo cho những người còn đang mắc kẹt. Khi được hỏi có quay trở lại nơi đã đánh cược cả mạng sống để tháo chạy, Luân ngập ngừng đáp: "Không thể nói trước được".
Phan Dương