Bà My đảo nhanh rồi nêm nếm lại nồi bí đỏ kho. Trong lúc đó, chồng bà, ông Trần Văn Hồng, 86 tuổi, múc từng vá cơm nóng từ chiếc nồi lớn ra sẵn từng hộp. Họ đã cặm cụi từ rạng sáng để đủ hơn 100 phần cơm chay, đặt trước nhà ở số 203 đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh tặng những người khó khăn.
Sáng nay, ông Thành, làm nghề ve chai, lấy cơm sớm nhất. Sau khi đã cất cẩn thận vào giỏ, ông nói lớn vọng vào bên trong nhà cám ơn vợ chồng bà My rồi đạp xe đi.
"Hôm qua nghe mấy người bảo chỗ này có cơm chay nên đã đến lấy một lần, thấy ngon nên nay tôi quay lại", ông Thành nói và cho biết hộp cơm này giúp ông rất nhiều bởi đã mấy tháng thất nghiệp vì dịch.
Chưa đến 10 giờ, những phần cơm đã hết. Bà My vui mừng thở phào vì không còn phải ngồi chờ đến chiều như trước.
Vợ chồng bà My vốn là người ở huyện Ô Môn, Cần Thơ. Bốn năm trước, ông bà lên Sài Gòn để chữa bệnh. Ở thành phố một thời gian, bà My nảy ra ý định thuê mặt bằng mở một quán bán đồ ăn chay kiếm thêm thu nhập để khỏi phải xin tiền con cái. Vừa bán hàng, bà My vừa giúp đỡ người khó khăn theo cách riêng của mình như bớt tiền, có khi tặng miễn phí.
Biết bà hay giúp người, nhiều khách quen mang thực phẩm tới tặng. Ông bà lại dùng để nấu thêm cơm rồi bỏ vào hộp mang ra trước cửa phát miễn phí.
Nhiều hôm chưa kịp chuẩn bị đã có người đến hỏi, bà mời họ vào ngồi ăn như khách mua bình thường. Có nhân viên buột miệng bảo: "Sáng sớm còn chưa mở hàng mà đã gặp người đến xin". Bà My căn dặn: "Dù người ta xin, mình vẫn phải mời đàng hoàng".
Trong những ngày giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường nhưng ông bà vẫn nấu vài chục suất cơm để trước cửa vì "sợ có ai quen đến lấy không có cơm thì tội người ta". Nhiều ngày liên tục, đôi vợ chồng già phải ngồi đến chiều, có khi cơm canh đã nguội ngắt vẫn ế. Rút kinh nghiệm, mấy hôm sau cứ quá bữa trưa là bà My nhờ những người quen trong xóm chở cơm mang đi tặng ở những con hẻm có nhiều người lao động nghèo.
Ít hôm trước, có người đi ngang hỏi thăm: "Ông bà tặng cơm sao ‘ế’ quá vậy, ở ngoài kia con thấy nhiều shipper không có cơm ăn vì quán xá đóng cửa hết". Nghe thế, bà cụ nhờ vả luôn: "Nhờ chú đăng lên Facebook để những người cần họ biết mà tới lấy".
"Tôi không biết dùng Facebook, nhưng tôi biết nhiều người đến quán ăn ủng hộ nhờ nghe tin qua Facebook", bà My giải thích.
Sau khi câu chuyện này được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, những ngày gần đây cơm chay miễn phí của vợ chồng bà My hết từ sớm. Ông bà không còn phải ngồi mong từng người đến như trước, cơm canh cũng không lo bị nguội.
Sáng 1/10, khi người dân thành phố được ra đường dễ dàng hơn, hơn 100 phần cơm đã hết từ 9 giờ sáng. "Bữa qua còn đang ế mà nay người ta đến đông quá. Không ngờ nhờ có thông báo mà hiệu quả ghê", bà My nói.
Cũng nhờ thông báo này mà nhiều người mang gạo, dầu ăn, bột ngọt và cả vài gói mì đến hùn với ông bà để nấu thêm cơm. Một người vừa biết bà thường nấu bằng than đã chủ động đổi bình gas mới để việc bếp núc đỡ vất vả.
Lan Anh, 25 tuổi ở quận Bình Thạnh đã mang đến góp với bà My hơn chục ký gạo trong sáng 1/10. "Hơn ba tháng rồi em mới quay lại, thấy mừng vì ông bà vẫn còn khỏe và còn nấu cơm từ thiện", cô nói.
Hơn bốn tháng không bán hàng, bà My được chủ nhà miễn tiền thuê mặt bằng. Nhờ thế, dù không có thu nhập nhưng bà vẫn duy trì việc nấu cơm 0 đồng. Nhiều người quen ngỏ ý muốn hỗ trợ nhưng bà My từ chối hết. "Thời dịch, ai cũng khó khăn vì không làm ăn được mình nhận quyên góp của người ta không đành", bà giải thích.
Người phụ nữ quê Cần Thơ cho biết thêm, ông bà gắn bó với Sài Gòn là vì những ngày đầu lên khám bệnh đã được cộng đồng giúp đỡ. Họ cũng thích cuộc sống nhộn nhịp ở đây.
Nhiều người hỏi ông bà sao không về quê nghỉ ngơi mà vẫn "bon chen kiếm tiền ở thành phố" cho cực. Cả 5 người con cũng muốn ông bà về nhưng bà nói ở lại để làm việc cho khỏe, nếu ở quê cũng chẳng có việc gì làm, chỉ hàng ngày đi chùa.
"Mình tự kiếm tiền rồi muốn giúp ai thì giúp. Mình cứ làm việc phải thì ắt sẽ có nhiều người làm cùng mình có gì mà lo", bà My nói.
Diệp Phan