Trưa 13/8, anh Nguyễn Văn Tình, 57 tuổi, bật dậy sau khi nhận một cuộc điện thoại. Anh vớ lấy chai nước lớn cùng ít đồ ăn khô cất lên chiếc xe 7 chỗ của gia đình rồi mặc đồ bảo hộ, lái xe đến bệnh viện 119 Bộ Công An ở quận Sơn Trà. Hôm nay anh nhận nhiệm vụ đón một bệnh nhân cùng người nhà về Gia Lai.
Kể từ khi Covid-19 tái bùng phát ở Đà Nẵng, người đàn ông này đã chạy hàng chục chuyến xe đưa bệnh nhân về Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhưng chuyến đi Gia Lai đêm nay là xa nhất mà anh tình nguyện hỗ trợ trong nửa tháng qua. Đoạn đường hơn 400 km sẽ cần ít nhất 8 tiếng trên đường nên anh Tình phải rủ thêm một đồng nghiệp khác để thay nhau cầm lái.
Vợ anh Tình giờ đã quen với những lần lên đường bất ngờ của chồng trong thời gian này nên khi thấy chồng đang sửa soạn chị chỉ nói: "Mai mốt anh đi chuyến nào gần thôi, đi về luôn trong ngày, đi xa quá em lo". Anh Tình cười, đáp lời để vợ yên tâm: "Đi xa thì ở lại nghỉ, sáng mai mới về, chứ ráng chạy về mới là nguy hiểm".
Chiếc xe 7 chỗ chính là cần câu cơm của cả nhà anh Tình nhưng vì Covid-19 mà phải "trùm chăn". Nhìn mọi người đều nhiệt tình tham gia cuộc chiến chống đại dịch, anh Tình nghĩ: "Mình có chiếc xe, bình thường chạy để kiếm tiền nhưng đến lúc dịch thì cũng bỏ không một chỗ, hay là dùng nó để làm việc có ích, hỗ trợ cho người dân trong lúc khó khăn này".
Vậy là được sự giới thiệu của một vài anh em trong nghề, cuối tháng 7, anh Tình tham gia vào nhóm Chuyến xe miễn phí đưa bà bầu đi sinh, đưa bệnh nhân cấp cứu trong thành phố... Đến ngày 7/8, khi bệnh viện C hết thời gian cách ly, hàng ngàn bệnh nhân ngoại tỉnh có nhu cầu về quê thì chiếc xe của anh mới bắt đầu hoạt động hết công suất.
Đường lên Tây Nguyên với hàng chục con dốc lớn uốn lượn, đi qua hàng chục chốt kiểm tra. Với tờ "giấy thông hành" là giấy chứng nhận và giấy giới thiệu của bệnh viện, hai tài xế đã đưa bệnh nhân về tới nhà an toàn. Trên đường đi, để tránh tiếp xúc với nhiều người và ngại việc "mình đến từ vùng dịch", anh Tình chỉ dừng lại đổ xăng. Cả tài xế và bệnh nhân đều nhịn đói chờ về đến nhà chứ không dám ghé vào quán ăn nào.
Gần 8h tối, xe dừng bánh trên một con đường đất đỏ của Gia Lai. Trong nhà, một nồi cháo gà lớn đã được vợ chồng bệnh nhân dặn con nấu trước, đặt sẵn trên bàn. Đêm xuống cơn gió rừng thổi rít khiến anh Tình rùng mình ớn lạnh bởi toàn thân đang đẫm mồ hôi do mặc bộ đồ bảo hộ liên tục hơn 8 tiếng.
Húp chén cháo nóng hổi, anh Tình kể, một lần đưa bệnh nhân về Quãng Ngãi, vì đói bụng nhưng không dám xuống xe bước vào mua bánh mì nên anh hạ cửa xe, vẫy tay gọi chủ quán. Có người nhìn ra, thấy anh trong trang phục bảo hộ màu xanh, khẩu trang kín mít lại thêm chiếc xe mang biển số 43 của Đà Nẵng, họ liền phẩy tay nói vọng ra: "Hết rồi".
"Rõ ràng tôi thấy trong tủ còn 5-6 ổ bánh mà người ta bảo hết rồi. Quên mang theo đồ ăn nên đành ôm bụng đói lái xe gần 100 cây số nữa về tới nhà. Tôi không còn nhớ lúc ấy mình đã nghĩ gì, nhưng đó là một kỷ niệm khó quên", tài xế Tình nhớ lại.
Còn vợ chồng ông Tô Vĩnh Thạnh, 66 tuổi, vẫn không tin mình đã về tới nhà sau gần cả tháng kẹt lại Đà Nẵng. Sau thời gian điều trị, ngày 29/7, vợ ông Thạnh được xuất viện ở bệnh viện Đa khoa, rồi tiếp tục đến bệnh viện 119 để cách ly thêm 14 ngày. "Nếu không có chuyến xe miễn phí của anh Tình, vợ chồng tôi không biết làm cách nào để về nhà. Ngoài việc phải gói ghém chi tiêu, ở bệnh bệnh suốt cũng không thoải mái, chỉ mong về nhà. Ngoài bữa cháo gà, hai tài xế nhất quyết không nhận của vợ chồng tôi thứ gì dù chỉ là món quà quê", ông Thạnh nói.
Anh Tình là một trong những thành viên của nhóm Chuyến xe nghĩa tình 0 đồng với gần 100 tài xế do anh Trương Vĩnh Phúc điều hành. Nhóm thành lập ngày 28/7, chuyên chở miễn phí những bệnh nhân xuất viện, bệnh nhân hết thời gian cách ly từ Đà Nẵng về các tỉnh. Nhiều nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi, xa hơn nữa là Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Hằng ngày, khi nhận được yêu cầu giúp đỡ đưa bệnh nhân về quê từ các bệnh viện, anh Phúc sẽ lên danh sách, sắp xếp để những bệnh nhân về chung tỉnh có thể đi chung một chuyến. Bình thường, tài xế sẽ đưa về đến tận cửa nhà, chỉ trừ những trường hợp nhà trong hẻm nhỏ hoặc có người nhà đón thì dừng lại ở đường lớn. Những lúc này, chiếc xe du lịch 16 chỗ của anh Phúc phát huy tác dụng, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong mùa dịch anh cũng nhận chở tối đa 10 người một chuyến.
Nhóm hoạt động trên tinh thần tự nguyện, mọi chi phí đi lại để hỗ trợ bệnh nhân đều do tài xế bỏ tiền túi, chỉ chở những bệnh nhân có giấy xuất viện, có danh sách giới thiệu từ bệnh viện. Anh Phúc cũng có vận động kinh phí từ mạnh thường quân nhưng cũng chỉ đủ để hỗ trợ thêm phí cầu đường cho những anh em đi các tỉnh xa.
Dù đã thông báo là chuyến xe 0 đồng, nhưng một số vị khách vẫn để lại một số tiền nhỏ trên ghế của mình trước khi xuống xe như một lời cám ơn với các tài xế.
"Ban đầu nhóm có gần 300 tài xế nhưng sau nửa tháng chỉ còn lại khoảng hơn 100 người. Những chuyến xe hầu hết phải đi tỉnh nên chi phí rất lớn, cũng không thể trách anh em, chỉ mong nhóm có thể duy trì đến khi xe khách được phép hoạt động trở lại", anh Phúc chia sẻ.
Là một tài xế thường nhận chở các bệnh nhận xuất viện từ bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng, anh Phạm Anh Ngọc, 47 tuổi còn kiêm luôn việc bồng bế bệnh nhân bởi những ca bệnh ở đây thường ngồi xe lăn, liệt nửa người. Họ cũng thường nằm viện một thời gian dài nên đồ đạc rất nhiều.
"Chiếc xe 7 chỗ của tôi thường chỉ chở một bệnh nhân và một người nhà cùng đồ đạc là chật kín", anh Ngọc nói.
Thường đi chặng đường gần nên có hôm, tài xế Ngọc chạy liên tục 3 chuyến đưa bệnh nhân về Quãng Ngãi. Hôm đó, đưa ông cụ bị liệt vào nhà, chứng kiến cảnh ngôi nhà chẳng có gì giá trị "đằng trước cũng như đằng sau", anh Ngọc lấy 200.000 đồng cuối cùng trong túi biếu thêm ông cụ.
"Xăng đầy bình, trên đường về chỉ sợ mỗi chuyện hư xe dọc đường thôi", anh kể.
Dù được vợ con ủng hộ, không ngại việc anh phải tiếp xúc với nhiều người trong mùa dịch nhưng nửa tháng nay anh Ngọc chủ động ngủ riêng và không tiếp xúc gần với vợ con.
Chiều 11/8, anh Ngọc, 47 tuổi, xung phong chở 2 bệnh nhân về Hà Tĩnh, quãng đường hơn 400 km đi trong đêm, tới nơi cũng đã 2h sáng. Chi phí cả đi lẫn về tốn của anh hơn 2 triệu đồng. Sau đó anh được ban điều hành hỗ trợ 500 nghìn nhưng anh Ngọc gửi lại để hỗ trợ những anh em tài xế khác vì nghĩ mình vẫn còn lo được.
"Không ai bắt mình đi xa cả, nhưng nếu ai cũng nghĩ đường xa không dám đi thì bệnh nhân làm sao về nhà. Họ cũng không còn tiền để ở lại mà bệnh viện thì cũng đã quá tải", anh Ngọc nói.
Khi về được nhà trên "chuyến xe 0 đồng" có bệnh nhân không tin là được miễn phí nên nhất quyết trả tiền cho tài xế nhưng anh Ngọc từ chối. Lúc chia tay, họ tặng anh một bao ngô lớn và một bao chuối hột đã phơi khô.
"Chúng tôi đã nhận hỗ trợ miễn phí thì không thể phá lệ. Mà giả sử không miễn phí thì tôi cũng không đành lòng lấy tiền toàn chứng kiến những cảnh gia đình quá khổ. Chuyến đi hoàn thành và những lời cảm ơn chân thành là điều tôi thấy vui, thấy việc làm của mình có ý nghĩa", anh Ngọc nói.
Diệp Phan