Trả lời:
Khoảng 10% rượu được hấp thu ở dạ dày, còn lại chủ yếu hấp thu ở ruột. Khi ăn no, cơ thắt môn vị sẽ đóng lại, ngăn cản một phần rượu và thức ăn xuống ruột. Vì vậy, uống rượu khi đói sẽ hấp thu nhanh; còn uống rượu cùng lúc ăn sẽ hấp thu chậm hơn. Độ cồn (alcohol) là chất kích ứng với niêm mạc dạ dày, làm cho cán cân giữa yếu tố bảo vệ (prostagladin) và yếu tố gây hại (thức ăn, acid...) mất cân bằng, khiến cho bệnh lý dạ dày thêm trầm trọng.
Từ máu, rượu đi đến các cơ quan, đặc biệt những cơ quan có lưu lượng máu lớn như gan và não. Rượu đến gan trước, các enzyme trong gan phá vỡ phân tử rượu, enzyme ADH biến rượu thành một chất độc gọi là acetaldehyde và enzyme ALDH biến acetaldehyde thành acetate không độc. Cùng với sự lưu thông máu, gan đào thải rượu liên tục. Lần đào thải rượu đầu tiên quyết định lượng rượu sẽ đến não và cơ quan khác.
Rượu làm tăng chất ức chế thần kinh, chất dẫn truyền thần kinh GABA, giảm chất kích thích, chất dẫn truyền thần kinh glutamate, làm giảm sự giao tiếp của các tế bào thần kinh. Lượng rượu vừa phải giúp thư giãn, lượng lớn hơn sẽ gây ngủ, quá liều có thể cản trở hoạt động của não điều khiển cho sự sống.
Rượu bia còn là nguyên nhân chính gây nên viêm tụy cấp, mặc dù quá trình này tích lũy nhiều năm ở người nghiện rượu, khi rượu làm tắc nghẽn các ống tụy nhỏ, tăng tiết enzym tiêu hóa và lysosom ở tế bào acinar (tế bào hạt của tụy giúp tiết enzym).
Vào dịp lễ tết, số lượng rượu bia được tiêu thụ tăng vọt ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Liên tục sử dụng rượu bia sẽ khiến cơ thể bị áp lực, không có thời gian đào thải hoàn toàn lượng acetaldehyde. Tích lũy nồng độ chất này sẽ gây độc lên gan, não và các cơ quan khác.
Các dấu hiệu ngộ độc rượu cần lưu ý bao gồm nôn mửa nhiều lần không giảm, có thể kèm đau quặn bụng; rối loạn ý thức, hành vi; hạ thân nhiệt (da lạnh, ẩm). Biểu hiện của ức chế hô hấp (khó thở, đọng đàm dãi nhiều, lơ mơ). Khi quan sát người uống rượu có những dấu hiệu trên, cần được đưa đến bệnh viện để xử trí kịp thời. Chú ý trong quá trình di chuyển tránh để người bệnh bị hít sặc do nôn mửa, cần giữ ấm cơ thể để tránh tình trạng hạ thân nhiệt gây ảnh hưởng nặng hơn.
Bác sĩ Phạm Ánh Ngân
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM Cơ sở 3