"Cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn đã bắt buộc nhiều bạn trẻ trở nên tính toán và thực tế hơn. Trong đó có tôi, một thanh niên 26 tuổi, đang xoay xở ở giữa Sài Gòn xô bồ với bao mưu toan bộn bề.
Bước ra đời năm 24 tuổi, làm nhiều công việc trái ngành học, kiếm từng đồng đầy khó khăn. Cái Tết đầu tiên mừng tuổi cho ba mẹ đầy tính toán: gửi nhiều hay ít? Rồi những tháng gửi tiền về cho mẹ để lo toan cho gia đình mà lòng không vui, vì không tích góp được gì để cho dự định kinh doanh sau này nhưng gia đình cần mình thì mình gửi thôi.
Rồi những ngày về nhà, thấy được niềm vui của mẹ khi nhận được tiền của con mình, tôi biết tôi đã chọn đúng, tôi đã chọn tình thân thay vì những toán tính nhỏ nhen của mình.
Cảm xúc thật lạ, khi bạn biết tiền bạn kiếm về tạo thành niềm vui cho gia đình thì bạn càng muốn kiếm nhiều tiền hơn nữa. Cảm giác hạnh phúc tình thân nó bền bỉ và sung sướng hơn bạn dùng đồng tiền đó mua một vật chất nào đấy.
'Mang tiền về cho mẹ' một câu nói rất đỗi bình thường nhưng thật sự chứa rất nhiều tình cảm chỉ có những bạn trải qua mới hiểu hết".
Độc giả có nickname tainguyen.mkt22 bình luận như trên sau chia sẻ "hạnh phúc khi mang tiền về cho mẹ" của rapper Đen Vâu.
MV Mang tiền về cho mẹ ra mắt ngày 29/12/2021 của nam rapper này đứng đầu danh sách ca khúc thịnh hành của YouTube suốt tuần qua. Đồng thời, cũng gây nhiều tranh luận: Liệu "mang tiền" về cho mẹ có thực dụng không?
Trong bài phỏng vấn, Đen Vâu chia sẻ:
"Mẹ tôi là dân lao động nên chẳng dạy tôi gì nhiều ngoài việc phải sống đàng hoàng, không ăn chơi, đua đòi, phung phí. Bà cũng không mong mỏi gì hơn ngoài việc con mình có cái nghề, tự lo được cho bản thân".
"Chẳng hạn như câu Mang tiền về cho mẹ. Khi nhận những đồng lương đầu tiên con gửi về gia đình, mẹ tôi vui lắm, không phải vì cầm tiền của con, mà vì bà biết đứa trẻ đó đã khôn lớn, tự nuôi sống bản thân".
Đồng quan điểm, một độc giả nói:
Một số độc giả cho rằng không nên hiểu chữ "tiền" trong thông điệp của Đen Vâu theo ý nghĩa hạn hẹp, độc giả có nickname Mamud Salam nói:
"Những người mới chỉ nghe câu "mang tiền về cho mẹ" thì dựng lên bảo sao không mang tình mà lại mang tiền... Cá nhân tôi thấy đó mới là "giả trân".
Tiền đại diện cho nhiều thứ vì khả năng lớn lao của nó, nếu tiền được mang về bởi một đứa con có hiếu thì đó là đại diện cho sự sung túc, trưởng thành của người con sau một năm vất vả. Khi kiếm được tiền thì mang về khoe với mẹ, nhưng nếu biếu tiền mà không kèm tình thì nó chỉ như một hành động ném tiền rồi bảo tiêu gì thì tiêu hết trách nhiệm.
Tôi tin bài hát là vế đầu của phần lớn chúng ta.
Nhiều khi không chỉ là chữ hiếu, mà ở đây nó còn là trách nhiệm".
Hữu Nghị tổng hợp
*Quan điểm của bạn thế nào?
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.