Nghiên cứu có tên gọi Com-CoV2, công bố hôm 6/12, trên tạp chí y khoa Lancet. Giáo sư Matthew Snape, Đại học Oxford, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết: "Phản ứng miễn dịch của nó cao hơn tiêm hai liều vaccine AstraZeneca".
Theo các chuyên gia, nếu tiêm liều đầu tiên bằng vaccine AstraZeneca, liều thứ hai bằng vaccine Moderna hoặc Novavax, phản ứng tế bào T của người dùng sẽ mạnh mẽ hơn so với hai liều vaccine AstraZeneca.
Tương tự, tiêm liều đầu tiên bằng vaccine Pfizer và liều thứ hai bằng vaccine Moderna cho kết quả tốt hơn hai liều Pfizer. Tiêm liều đầu tiên với vaccine AstraZeneca và liều thứ hai với bất kể loại vaccine nào đều tạo ra phản ứng miễn dịch đặc biệt tốt. Các tình nguyện viên của nghiên cứu không gặp tác dụng phụ đáng quan ngại.
Phát hiện mới ủng hộ việc sử dụng linh hoạt các loại vaccine, đặt tiền đề mở rộng nguồn cung cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
"Dữ liệu từ thử nghiệm đặc biệt thú vị và có giá trị với các nước đang phát triển, nơi vẫn đang triển khai hai liều vaccine đầu tiên. Chúng tôi nhận ra rằng không cần quá cứng nhắc trong liều vaccine thứ hai. Nếu có thể tiêm chủng nhanh hơn bằng cách trộn nhiều loại vaccine với nhau, các nước có thể làm vậy", ông Snape nói.
Nhiều quốc gia đã tiêm trộn từ trước khi có nghiên cứu chuyên sâu vì phải đối mặt với số ca nhiễm tăng vọt, nguồn cung vaccine hạn chế và các lo ngại về an toàn.
Bộ Y tế hôm 1/12 cũng cho phép tiêm liều bổ sung sau liều cơ bản ít nhất 28 ngày, hoặc tiêm liều thứ 3 vào 6 tháng sau; có thể tiêm trộn vaccine mRNA. Quyết định này dựa trên khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các nước, theo Bộ Y tế.
Thục Linh (Theo Reuters)