Hầu hết loại vaccine Covid-19 hiện nay sử dụng phác đồ hai liều tiêm, các liều cách nhau vài tuần, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ví dụ, vaccine Pfizer có hai liều tiêm cách nhau 3 tuần, Moderna và Vero Cell là 4 tuần, AstraZeneca là 8-12 tuần.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung vaccine trên toàn cầu hiện nay khiến mọi người có thể nhận liều vaccine thứ hai chậm hơn khuyến cáo từ nhà sản xuất.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết: "Liều hai tiêm chậm hơn so với khuyến cáo không ảnh hưởng tới hiệu quả sinh miễn dịch của vaccine, người dân không cần tiêm vaccine lại từ đầu. Tuy nhiên, người đã tiêm một liều vaccine Covid-19 sẽ được bảo vệ yếu hơn người tiêm đủ hai liều".
Tiến sĩ Thái giải thích, hiệu lực bảo vệ của vaccine bắt đầu từ ngày thứ 12 sau khi tiêm liều vaccine thứ nhất. Vaccine sẽ kích thích cơ thể hoạt hóa các tế bào chuyên biệt và từ đó tạo ra kháng thể cũng như các tế bào đặc hiệu chống lại tác nhân tương tự như đã thiết kế với vaccine và trong trường hợp này là nCoV gây bệnh Covid-19. Quá trình này thường mất khoảng 2 tuần. Sau khi đạt đỉnh, nồng độ kháng thể trong máu sẽ giảm xuống. Tại ngưỡng giảm thích hợp, thường là 3-4 tuần sau tiêm mũi đầu sẽ là thời điểm thích hợp nhất để tiêm liều thứ hai giúp tiếp tục kích thích sinh miễn dịch, giúp tăng cường miễn dịch mạnh mẽ và kéo dài thời gian bảo vệ.
Do cơ chế này, các nhà sản xuất đã phải nghiên cứu rất kỹ càng để chọn thời điểm hợp lý nhất, sớm nhất cho tiêm liều hai mà vẫn đảm bảo sinh miễn dịch tốt. Đây là lý do các vaccine khác nhau có khoảng cách tiêm tối thiểu không giống nhau, ví dụ trường hợp Pfizer cần 3 tuần, trong khi AstraZeneca lại tối ưu ở 8-12 tuần. Việc tiêm sớm liều hai vào thời điểm miễn dịch giảm ở ngưỡng không thích hợp, sẽ dẫn tới đáp ứng miễn dịch không tốt bằng tiêm đúng lịch hoặc muộn hơn lịch.
Bên cạnh đó, nồng độ kháng thể giảm xuống không có nghĩa là vaccine đã mất khả năng bảo vệ, do cơ thể đã có hình thành tế bào nhớ giúp nhận biết tác nhân ở lần tiếp xúc tiếp theo và từ đó sản xuất kháng thể ngay khi có kháng nguyên hoặc virus xâm nhập. Tức là, cơ thể đã được bảo vệ ở một mức độ nhất định sau khi tiêm liều một.
Vì vậy, việc tiêm liều hai chậm hơn so với khuyến cáo từ nhà sản xuất không ảnh hưởng tới hiệu quả sinh miễn dịch của vaccine. Liều hai vẫn kích thích sinh kháng thể mạnh mẽ và đây là nguyên nhân nhà sản xuất, cũng như WHO và các hiệp hội về tiêm chủng, đều không khuyến cáo tiêm lại từ đầu nếu bị chậm tiêm liều hai. Trong tiêm chủng, không có khái niệm khoảng cách tối đa giữa hai liều tiêm mà chỉ quy định khoảng cách tối thiểu.
"Tuy vậy, miễn dịch tạo ra sau liều vaccine thứ nhất còn yếu ớt, do đó nguy cơ lây nhiễm vẫn cao hơn so với người tiêm đủ hai liều vaccine kịp thời. Việc tiêm đúng lịch đối với liều hai sẽ giúp hoàn thiện miễn dịch của người đi tiêm sớm nhất có thể để sẵn sàng trước dịch bệnh", tiến sĩ Thái nói.
Tiến sĩ Thái khuyến cáo, trong thời gian chờ đợi vaccine và kể cả khi đã hoàn thành 2 mũi tiêm, người dân cần thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K và 5T từ Bộ Y tế để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm. Người dân đã được tiêm một liều vaccine cần kiên nhẫn chờ đợi đến khi được thông báo tiêm liều hai.
Chi Lê